Dừng xét tuyển vào lớp 10 bằng IELTS: Tạo công bằng cho kỳ tuyển sinh

Chứng chỉ IELTS từng là “tấm vé” tuyển thẳng vào lớp 10 tại nhiều trường phổ thông. (Ảnh minh họa - Nguồn: pnpl.vn)
Chứng chỉ IELTS từng là “tấm vé” tuyển thẳng vào lớp 10 tại nhiều trường phổ thông. (Ảnh minh họa - Nguồn: pnpl.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, nhiều trường đã sử dụng chứng chỉ IELTS để tính điểm cộng, chỉ tiêu tuyển thẳng vào lớp 10. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh “đổ xô” đầu tư luyện thi IELTS, mong có được tấm vé thông hành vào những trường tốp đầu. Thực trạng này đã gây bất cập và mất công bằng trong giáo dục.

Tuyển sinh đúng quy định

Kỳ tuyển sinh lớp 10 niên học 2023 - 2024, hàng loạt các trường công bố tuyển thẳng, cộng từ 1 - 2 điểm ưu tiên đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 5.5 trở lên. Nhiều trường còn cấp học bổng, khuyến mãi học phí cho học sinh căn cứ theo mức độ điểm IELTS khác nhau. Vì vậy, thời gian qua, chứng chỉ IELTS ngày càng được nhiều phụ huynh và học sinh đầu tư, thậm chí chỉ chú tâm ôn luyện Tiếng Anh mà xao nhãng các môn học khác.

Đặc biệt, nhiều trường tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho những em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã tạo sự thiếu công bằng đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với những chứng chỉ quốc tế như IELTS.

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) gửi công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định việc sử dụng chứng chỉ IELTS xét tuyển vào lớp 10 có thể gây mất công bằng trong giáo dục. Ông Thành cũng cho biết, Quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GD&ĐT không có quy định tuyển thẳng khi thí sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh. Mặt khác, chưa bao giờ Bộ GD&ĐT cho phép việc này. Do đó, việc dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Quy chế đã được ban hành.

Thực tế, sau Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ban hành năm 2014, Bộ GD&ĐT nhận thấy quy định đối tượng được cộng điểm khuyến khích khi được giao cho các Sở GD&ĐT quyết định có thể sẽ tạo ra sự không công bằng trong giáo dục. Vì vậy, năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 11, trong đó có khoản 3 Điều 7 quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích.

Trong vài năm gần đây, Bộ GD&ĐT ghi nhận một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đó cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ ban hành.

Giá trị gốc của học ngoại ngữ

Chứng chỉ IELTS vốn là khung đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhưng thời gian qua, chứng chỉ IELTS đã trở thành một trong những thước đo đánh giá năng lực học sinh, mất đi bản chất vốn có. Sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, nhiều phụ huynh, học sinh đã hoang mang, lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Minh (Nghĩa Đô, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi đã dành toàn bộ sức lực ôn thi chứng chỉ IELTS từ đầu năm lớp 9, thậm chí hy sinh cả điểm môn Toán vốn là thế mạnh của con. Khi biết được thông tin dừng việc tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, tôi lập tức cho con ôn Tiếng Anh cơ bản như trên trường. Thời gian ôn tập quá gấp rút, chúng tôi không hy vọng cháu đạt được điểm cao”.

Còn em Lương Bích Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) thì thoải mái, tự tin hơn, em chia sẻ: “Tiếng Anh là môn học sở trường của em. Ngay từ đầu năm lớp 9, điểm trung bình của em trên trường là 8 đến 9 điểm, em học thêm lớp luyện thi IELTS để tăng cơ hội xét tuyển và rèn luyện trình độ ngoại ngữ ở mức khó hơn”. Với tâm lý học để lấy kiến thức, Bích Ngọc tự tin dù đề thi Tiếng Anh cơ bản hay thi IELTS, em vẫn có thể hoàn thành trong khả năng tốt nhất của mình.

Giữa chương trình Tiếng Anh cơ bản và chương trình học luyện thi IELTS có sự khác nhau. Đối với những học sinh có gốc Tiếng Anh vững, các em sẽ dễ dàng quay lại học Tiếng Anh cơ bản theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Nhưng trường hợp những học sinh ôn thi cấp tốc, chỉ tập trung luyện đề theo “mẹo”, theo “công thức” để đạt mức 4.0 - 5.5 IELTS, thì việc quay trở lại học Tiếng Anh cơ bản đúng là một thử thách.

Thực tế, trong thời buổi hội nhập xã hội, vốn ngoại ngữ là rất quan trọng. Học Tiếng Anh không phải chỉ vì chứng chỉ hay thỏa mãn “bệnh thành tích” của nhiều phụ huynh, học sinh mà đây chính là quyền lợi, cơ hội để mỗi học sinh mở rộng tầm hiểu biết, tiếp thu kiến thức mới. Vì vậy, dù các trường dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, các phụ huynh và học sinh đã đầu tư cho chứng chỉ này cũng không nên quá tiếc nuối, hụt hẫng. Bởi ngoại ngữ dù học ở cấp độ nào cũng trở thành hành trang cho các em chinh phục con đường học vấn trong tương lai.

Báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023 được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố vào tháng 12 năm ngoái, nhận định độ tuổi thi IELTS của người Việt Nam ngày càng trẻ. Vào năm 2018, hơn 50% người thi IELTS có độ tuổi trên 23, 1,5% người thi IELTS thuộc độ tuổi 16 - 18. Sau 5 năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16 - 22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%. Tính riêng, nhóm 16 - 18 tuổi chiếm 30%, tăng 20 lần so với năm 2018; nhóm 19 - 22 tuổi tăng hơn hai lần; còn nhóm trên 23 tuổi giảm hơn một nửa, từ gần 52 xuống 20%.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

(PLVN) -  Trong 2 ngày 17 và 18/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục năm 2024 cho cán bộ làm công tác pháp chế của các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Đọc thêm

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực ngoài chuyên môn

Đừng đặt những áp lực ngoài chuyên môn lên vai thầy, cô giáo, để họ được toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp “trồng người”. (Nguồn: S.T)
(PLVN) - Tại nhiều trường học, các nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn khi ngoài truyền đạt kiến thức còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh, nhà trường và xã hội, thậm chí đôi lúc giáo viên còn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề không liên quan đến giáo dục.

Khi bạo lực học đường lên bàn nghị sự

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất từ góc nhìn trong cuộc sâu sắc, đa chiều về phòng, chống bạo lực học đường…

Người già và những hành trình khác

Người già và những hành trình khác
(PLVN) - Dù đã về hưu nhiều năm, trở thành những cụ ông, cụ bà, nhưng rất nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục năng nổ tham gia các hoạt động. Họ xóa bỏ định kiến về người già trong xã hội, trở thành tấm gương, nghị lực để thế hệ trẻ noi theo.

Hi hữu: Một thí sinh từ trượt thành đỗ thủ khoa do "nhầm lẫn" khi hồi phách

Trường THPT Lê Hồng Phong (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), nơi có thí sinh bị nhầm lẫn trong điểm thi vào lớp 10 năm 2024-2025.
(PLVN) - Do nhầm lẫn khi hồi phách của những người làm công tác chấm thi, một thí sinh ở Thanh Hóa đã được nhầm điểm và trở thành thủ khoa vào lớp 10 của Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2024 - 2025, dù cho điểm thi thực tế của thí sinh này là: trượt!