Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trả lời:
Luật giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi người điều khiển phương tiện để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh (trừ phương tiện chuyên dụng).
Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng. Trường hợp người điều khiển xe vi phạm quy định trên mà gây ra tai nạn giao thông, thì còn bị tước giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng.
Đối với người điều khiển ô tô thì bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô kéo theo xe khác, vật khác (trừ trường hợp kéo theo một rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc một xe ô tô, xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được); điều khiển xe ô tô đẩy xe khác, vật khác; điều khiển xe kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác, vật khác; không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo khi kéo nhau.Trường hợp người điều khiển xe vi phạm quy định trên mà gây ra tai nạn giao thông, thì còn bị tước giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng.
Đối với xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác thì bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Khi đang điều khiển phương tiện trên đường, việc kéo, đẩy theo xe khác là vô cùng nguy hiểm. Nhiều vụ TNGT xảy ra do người tham gia giao thông tự ý kéo, đẩy theo xe khác, dẫn đến mất chủ động, gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông xung quanh mình. Vì vậy không được kéo, đẩy xe khác (trừ phương tiện chuyên dụng) khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông.