Đất “ế sưng”, vẫn thổi giá trên trời
Đi một vòng khu Nam Hòa Xuân, nhận thấy nhiều văn phòng giao dịch đất đai đã hoạt động trở lại nhiều hơn so với dịp trước Tết.
Đi đâu cũng nghe những người môi giới “thao thao bất tuyệt”: “Bây giờ là thời cơ thuận lợi để mua đất làm nhà ở. Hiện giá đất ở Đà Nẵng đã xuống đáy. Nhiều ngân hàng thương mại cũng đang giảm lãi suất cho vay nên khách có điều kiện hơn. Nếu không mua bất động sản thời điểm này, khoảng ít tháng nữa, khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, giá đất Đà Nẵng sẽ tăng cao”. Nhiều “cò” cho rằng: “Ngày nào tôi cũng “đẩy” (bán - NV) 4-5 lô, có hôm gần chục lô, đảm bảo không lo đầu ra”.
Tại khu Nam Hòa Xuân, theo lời các cò, một lô đất 100m2, đường 7,5m được rao giá 2,7 - 3 tỷ đồng. Tại khu đô thị FPT (quận Ngũ Hành Sơn), “cò” đất cũng liên tục chào mời và đăng thông tin các lô đất cần giao dịch trên mạng, mỗi m2 giá từ 25 triệu đồng. Một số cư dân tại đây cho biết, gần đây không hiểu sao đất khu này liên tục được rao bán dù rất ít người mua.
Giám đốc một Cty bất động sản tại Đà Nẵng cho biết, những ngày gần đây, giá đất rao bán có tăng nhưng không có giao dịch thực tế. Ông cho hay một số “cò” đã nắm tâm lý đầu năm khách hàng muốn đầu tư nên tung tin để đẩy giá, đặc biệt khu vực ở Cồn Dầu và Đầm Sen (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Vị này khuyên mọi người không nên tin lời “cò” khi mua đất: “Sau đợt dịch Covid - 19 lần hai, bất động sản Đà Nẵng cũng có giao dịch nhưng rất ít. Giờ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ ba và tình hình nhìn chung rất trầm lắng chứ không như đồn thổi “tăng giá, mua bán rộn ràng”. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người mua bất động sản cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Nếu dịch được khống chế, may ra thị trường bất động sản mới có khả năng phục hồi”.
Tin thất thiệt ảnh hưởng môi trường đầu tư
Trước thông tin Đà Nẵng rục rịch tăng giá đất, UBND TP khẳng định đó là thông tin chưa chính xác, không có cơ sở. Đến thời điểm hiện tại, TP đang rà soát, thẩm tra các vấn đề liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát xây dựng bảng giá đất phù hợp tình hình thực tế của TP.
Theo bảng giá đất do UBND TP Đà Nẵng ban hành (đang có hiệu lực), giá bất động sản cao nhất tại Đà Nẵng hiện 98,8 triệu đồng/m2; đất thương mại, dịch vụ cao nhất hơn 79 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cao nhất 59,2 triệu đồng/m2. Từ sau giai đoạn sốt đất cuối 2017, đầu 2018 đến nay, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng có biến động theo hướng giảm giá.
Một cán bộ nhận định, thông tin giá đất rục rịch tăng đã ảnh hưởng đến môi trương đầu tư của Đà Nẵng. Vị này phân tích, đất đai là một yếu tố lớn cấu thành vào sản phẩm của DN nên đương nhiên sẽ tác động đến việc đầu tư và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã xác định phải đi vào giai đoạn phát triển mới, theo chiều sâu dựa trên nền tảng công nghệ, sức mạnh từ nguồn nhân lực có trình độ và sức hút từ thị trường dân cư đông đúc tại chỗ. Nhà đầu tư sẽ tự khắc tìm kiếm nơi phù hợp để lựa chọn chứ không phải DN nào cũng tìm nơi có giá bất động sản rẻ để đầu tư. Minh chứng rõ nét, gần đây rất nhiều DN vừa đăng ký đầu tư hàng trăm triệu USD vào khu công nghệ cao mới đây.
Phó GĐ Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho biết, thời gian tới, Sở cũng khảo sát độc lập, nếu giá đất tăng hoặc giảm liên tục trong 6 tháng với tỷ lệ 20% trong thực tế, mới trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh tăng hoặc giảm giá.
Cuối tháng 2/2021, Công an Đà Nẵng đã bắt tạm giam Nguyễn Thành Hòa (52 tuổi, ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo điều tra, mặc dù không có đất rừng nhưng Hòa làm hợp đồng đặt cọc bán cho một phụ nữ 1,2ha đất tại đèo Hải Vân với giá 200 triệu đồng. Nạn nhân đã giao Hòa 180 triệu. Hòa làm giả một bộ hồ sơ đất kèm chữ ký xác nhận của UBND phường Hòa Hiệp (cũ) rồi giao nạn nhân.
Hòa còn đặt cọc 50 triệu đồng và hứa mua một lô đất tại phường Hòa Hiệp Nam của một người đàn ông với giá 360 triệu. Đến ngày hẹn giao tiền đủ để công chứng làm thủ tục sang tên, Hòa bỏ tiền cọc. Tuy nhiên, ngay sau khi ký hợp đồng đặt cọc lô đất trên, Hòa đã rao bán lại cho một nạn nhân với giá 750 triệu đồng, rồi làm giả một bộ hồ sơ lô đất trên mang tên nạn nhân giao cho nạn nhân.
Cũng lô đất này, Hòa tiếp tục ký hợp đồng bán cho một người khác với giá 1,7 tỷ. Theo CQĐT, Hòa còn lừa nhiều người khác có nhu cầu mua đất, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Từ vụ việc của Hòa, cơ quan chức năng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đánh vào tâm lý chủ quan, nôn nóng của người đi mua nhà đất; các đối tượng sẽ bán một căn nhà, miếng đất cho nhiều người để chiếm đoạt tiền. Hình thức này thường được tội phạm sử dụng với những mảnh đất, ngôi nhà đang đợi làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… Vì chưa có giấy tờ, không thể mua bán qua công chứng nên hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng giấy tờ viết tay. Với một mảnh đất, đối tượng lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho bất kì người nào muốn mua vì ham rẻ hoặc nhẹ dạ cả tin.