Nhìn ai cũng… nguy hiểm
Hai tháng nay, chị Lê Kim H., một giáo viên mầm non tư thục ngụ quận Tân Phú, TP HCM sống trong những cơn “khủng hoảng” của riêng mình. Ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, chị H. là người chuyên chia sẻ những thông tin tiêu cực, đầy hoang mang về dịch bệnh. Khi con số người dương tính với Covid-19 tại Việt Nam được công bố, chị cũng nằm trong số người luôn đặt câu hỏi nghi vấn, không có niềm tin với những thông tin cơ quan chức năng đưa ra.
Chị luôn nhắc nhở bạn bè, người thân: “Chắc chắn là có giấu dịch, số người nhiễm chắc chắn nhiều hơn số công bố rất nhiều, cho nên không nên đi đâu, không giao tiếp nhiều, đề phòng tất cả mọi người chung quanh”. Thế là, trong lúc dịch bệnh còn được kiểm soát tốt, số người nhiễm rõ ràng, chị và người nhà lại khư khư giữ mình, đi đâu cũng nhìn thấy “virus”, không dám giao tiếp với mọi người.
Để rồi, đến thời điểm số người nhiễm dịch bắt đầu tăng lên, chị H. lại nằm trong số những người luôn ra rả “thuyết âm mưu”, rằng thì là dịch không giấu nổi nữa nên giờ phải công bố, rằng công bố để được nhận cứu trợ…
Có không ít người đang trong tâm thế của chị H. nói trên. Họ nghi ngờ, sợ hãi và lo toan từ đầu mùa dịch. Họ, dù không có bằng chứng, vẫn luôn “đòi” được công bố con số thật. Để rồi đến khi Chính phủ Việt Nam, y tế Việt Nam chứng minh được bằng hành động, rằng chúng ta đã làm rất tốt trong công tác phòng dịch, chống dịch, bảo vệ người dân với tinh thần trách nhiệm, với sự nhân văn thì họ vẫn tiếp tục bao biện cho mối nghi ngờ, đó là “chiến lược tuyên truyền”.
Họ so sánh, ngợi khen những nước “phát triển”. Để đến khi các quốc gia phát triển cũng lúng túng, vỡ trận vì dịch, thì họ vẫn tiếp tục bằng các luận điểm của mình, cho rằng “nước người ta minh bạch thông tin, không giấu giếm”.
Những người ấy, trong bão dịch chẳng làm được điều gì khác hơn là khăng khăng tin vào điều tiêu cực, phủ nhận những gì tích cực, rồi chia sẻ fake news gây hoang mang dư luận. Họ chính là những người tung thông tin dịch hoành hành khắp nơi, tin có người chết trong bệnh viện ngay khi Việt Nam chỉ vài ca nhiễm…
Có rất nhiều người mang trong mình những hạt giống tiêu cực và phản kháng xã hội. Những hạt mầm đen tối ấy khiến họ thiếu đi niềm tin vào điều tốt đẹp, tử tế, thiện tâm. Nó khiến người ta không chấp nhận hoàn cảnh, luôn phàn nàn, cau có với thế giới và dĩ nhiên, cảm thấy khổ sở ở mọi lúc, mọi nơi.
Như một bầu show có tiếng trong showbiz, bình thường, anh này nổi tiếng vì phô bày cuộc sống luôn sang chảnh, phơi phới. Thế nhưng, đến vùng dịch trở về, bị kêu gọi cách ly, người đàn ông luôn tỏ ra hào nhoáng và lịch thiệp này lại “làm mình làm mẩy”, không chịu cách ly, gây khó cho cơ quan chức năng, trở thành một tấm gương xấu đầy phiền nhiễu.
Trong dịch bệnh, lời kêu gọi “bình tĩnh sống” được sẻ chia rộng khắp, như một ngọn lửa khiến trái tim mọi người ấm hơn, khiến người ta đối mặt với khó khăn theo cách thức nhẹ nhàng hơn. Nhưng có không ít người “ném đá” lời kêu gọi bình tĩnh sống ấy. Luận điểm của những người này là “làm sao mà bình tĩnh được khi virus ở khắp nơi”?
Không thể bình tĩnh được nữa khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn, giảm doanh thu, “thắt lưng buộc bụng”. Vì không thể bình tĩnh được, nên họ chỉ có thể xả giận bằng những tiếng chửi đổng, bằng những lời nói đầy kích động và đổ lỗi, bằng những phàn nàn, bực dọc, hờn trách…
Ký họa 14 ngày cách ly của nữ du học sinh trở về từ Hàn Quốc. |
Những con người như thế nhìn thấy virus ở khắp nơi. Và khốn khổ cho họ, tâm hồn tràn ngập sự ngờ vực, sợ hãi, u ám. Virus Corona chưa chạm đến họ, nhưng virus sợ hãi và tiêu cực đã xâm chiếm lấy họ, đang hủy hoại họ.
Hạnh phúc ở đâu xa?
Đạo diễn Xô Viết Dovzhenko có câu nói nổi tiếng “Hai người cùng nhìn xuống. Một người chỉ thấy vũng nước, người kia lại nhìn thấy những vì sao”. Câu nói ấy phần nào trả lời cho câu hỏi về hạnh phúc mà người ta thường trăn trở.
Cùng một sự vật, hiện tượng, có người đối mặt một cách khổ đau, có người lại thấy trong ấy ánh sáng của niềm vui. Điều này đến từ cái cách mà mỗi một người tiếp nhận và đón nhận sự vật, hiện tượng ấy.
Đơn giản như câu chuyện tiếp nhận thông tin về dịch bệnh. Nhiều người khăng khăng không tin những gì được cơ quan chức năng đưa ra, chỉ chịu tin vào những thông tin tiêu cực, tin giả. Điều mà những người này nhận được, chỉ là nỗi sợ hãi lan tràn, là hoang mang, thậm chí tuyệt vọng. Ngược lại, những ai bình tĩnh đón nhận, đặt niềm tin nơi những kết quả mà ngành Y tế làm được, điều nhận được là tâm thế sáng suốt, tỉnh táo và nắm bắt được thông tin hữu ích.
Thay vì chia sẻ tin xấu, nghi kị mọi người chung quanh, những ai có được sự bình tĩnh đón nhận, vẫn có thể sống một đời sống tinh thần thoải mái, an toàn bởi vì họ đang chủ động trang bị đủ kiến thức cần thiết để phòng bị cho mình và người thân.
Những nghệ sĩ từ vùng dịch trở về, người chấp hành tốt, tự nguyện đến khu cách ly tập trung được thanh thản vì bản thân đã có ý thức tránh lây nhiễm cho cộng đồng, nhận được lời khen ngợi từ người hâm mộ. Ngược lại, chống đối, khó chịu, bất hợp tác, nghệ sĩ vừa cảm thấy mình mệt mỏi, vừa là đối tượng bị “ném đá” của cộng đồng, để phải đi đến kết cục cúi đầu xin lỗi, khóa Facebook.
Tương tự về ý thức cách ly, không ít người từ vùng dịch trở về, trốn chui trốn lủi chỉ vì sợ đi cách ly tập trung. Trong những ngày lẩn trốn ấy, điều phải đối mặt là nỗi sợ hãi bị phát hiện. Rồi hàng xóm biết chuyện, nhìn người trốn cách ly với con mắt kì thị, ghét bỏ. Ấy là chưa kể đến, nếu chẳng may nhiễm dịch, kẻ trốn cách ly lại trở thành “tội đồ”, không thể sống yên thân với sự phẫn nộ của cộng đồng và áy náy lương tâm của chính mình.
Nhiều người khác, vui vẻ, tự nguyện vào khu cách ly tập trung khi có nguy cơ nhiễm bệnh. Để rồi, ngay trong khu cách ly ấy, họ nhận được bao nhiêu là niềm vui, là những trải nghiệm trong đời chưa từng biết đến: Làm quen những người bạn mới, tập sống một cuộc sống tĩnh lặng. Nhìn thấy sự nỗ lực, hy sinh của những người lính, những bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, để hiểu hơn về công tác chống dịch của đất nước.
Từ những trại cách ly ấy, nhiều tình bạn đẹp đã được thiết lập. Một cô bé sinh viên đã vẽ những kí họa dành tặng cho những người chiến sĩ và cán bộ khu cách ly, gây xúc động cộng đồng mạng. Một du khách Anh viết một nhật kí cách ly vừa hài hước, vừa cảm động, đăng trên tạp chí quốc tế, được cả thế giới biết đến.
Trong khi đó, một thời gian chưa xa, một nhóm du khách Hàn Quốc bực tức, chê bai, bêu xấu khu cách ly của Việt Nam sau khi về nước, kết quả là nhóm du khách ấy trở về với những ấn tượng chẳng mấy vui vẻ trong lòng, cộng đồng thế giới cũng có ấn tượng không đẹp về họ.
Ngay trong thời điểm dịch, nhiều người đã tìm ra niềm vui sống mới mẻ cho mình, dù chung quanh là mất mát, thiệt hại, buồn bã. Nhiều khách thuê và chủ nhà đã tìm được sự đồng thuận, có tiếng nói chung khi chủ nhà chịu giảm giá, hỗ trợ người thuê, người thuê yên tâm phần nào để gồng gánh qua mùa dịch.
Những nhân viên cảm nhận rõ ràng hơn nỗi vất vả và rủi ro của chủ doanh nghiệp, thay vì sự than vãn và bất mãn như ngày thường, khi họ chỉ thấy cái sung sướng của người làm sếp. Nhiều người vợ, người chồng đã có thời gian để ngồi bên cạnh nhau, sau bao năm để bận rộn che mờ đi yêu thương. Nhiều người cha, người mẹ dành nhiều thời gian để ở bên con, chăm sóc con nhiều hơn bất cứ thời gian nào từng có.
Có người chọn đi gieo rắc tin đồn nhảm, tin xấu. Có người chọn gieo những hạt giống hoa trong vườn nhà để ươm tưới điều lành. Người thì lao đầu đi mua gạo, tích trữ mì, người lại đi phát khẩu trang, thực phẩm cho người nghèo hoặc ươm những luống rau trên sân thượng phòng khi bất trắc.
Người lên mạng chửi đời nhưng vẫn có những người ở nhà, phát tâm gửi lời cầu nguyện đến Đức Phật, cầu xin Thượng đế phù hộ cho chúng sanh vượt qua kiếp nạn.
Nhất niệm địa ngục, nhất niệm thiên đường. Khổ đau tồn tại trong từng suy nghĩ, hành động, mà hạnh phúc cũng luôn thường trực trong ta, trong từng điều nhỏ bé, trong mỗi một khoảnh khắc của cuộc sống.
Quan trọng là, ta lựa chọn điều gì?