Có nên nhân rộng?
“Rác tường” là tên gọi chung của những loại hình rao vặt như chiêu sinh, khoan cắt bê tông, cho vay ngắn hạn, thông hút bể phốt… được dán hoặc in chi chít lên bờ tường, gốc cây, cột điện, lô cốt… ở những thành phố lớn. Những năm vừa qua, đây thực sự là một vấn nạn mà từ các cơ quan quản lý cho tới người dân đều rất khó đối phó và dẹp bỏ. Thế nhưng, những hộ dân ở ngõ 78, phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây đã có một sáng kiến bất ngờ. Đó là dùng những bức tranh bằng gốm, ghép lên tường để biến chúng thành một đường tranh gốm tuyệt đẹp. Thậm chí, nhiều người còn coi đây là “con đường gốm sứ” thứ hai của Hà Nội (sau con đường gốm kỷ lục chạy dài qua 4 quận Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm – Ba Đình – Tây Hồ).
Theo ghi nhận của PV, đoạn đường này dài khoảng 200 mét, được phủ lên bằng 22 bức tranh gốm khổ lớn, miêu tả khung cảnh sinh hoạt làng quê Việt và do người dân tự đóng góp kinh phí thiết kế, xây dựng. Người đưa ra ý tưởng độc đáo này là bà Vũ Thị Bắc (57 tuổi), người ở trong ngõ. Ban đầu mọi người lấy ý tưởng trồng hàng trúc dài trước nhà nhưng sau đó thống nhất góp tiền làm tranh gốm. Các hộ dân tự bỏ kinh phí, tự thiết kế, sau đó thuê thợ về thi công. Chi phí mỗi hộ gia đình bỏ ra từ 3 – 5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tho, một người dân sống trong ngõ cho biết: “Sau khi con đường tranh gốm được xây dựng xong, nhiều người dân trong khu vực cũng như nhiều nơi đến xem, tham quan, chụp ảnh. Ở các phường, quận cũng xuống học hỏi kinh nghiệm. Nhiều tờ báo đến đưa tin, phỏng vấn. Chúng tôi rất hãnh diện vì làm được con đường như thế này. Vừa dẹp bỏ được nạn “rác tường” gây nhức nhối, vừa làm đẹp cho khu dân cư”.
Rõ ràng những hiệu ứng từ con đường độc đáo này tới dư luận là không thể phủ nhận. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng cần nhân rộng mô hình này ra các khu vực khác. Vừa từng bước đẩy lùi được nạn “rác tường” và quan trọng hơn, nó góp phần làm khang trang những khu dân cư cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân.
Cần sự hợp tác của người dân và họa sĩ
Mặc dù ý tưởng xây dựng con đường tranh gốm đáng hoan nghênh và ủng hộ nhưng theo nhiều chuyên gia, chúng ta không nên vội vàng nhân rộng mô hình vì những bài học nhãn tiền vẫn còn đó.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Chỉ mới đây thôi, chúng ta còn phải “khóc dở, mếu dở” vì những tuyến phố chằng chịt đèn hoa, rồi những biển hiệu đồng màu ở phố Lê Trọng Tấn hay kiến trúc tạp nham trên nhiều tuyến phố khác. Giờ đâu đâu cũng tranh tường nữa thì chưa chắc đã hết nạn “rác tường” mà khéo còn tăng thêm”.
Thực tế chúng ta đang thiếu những công trình mỹ thuật công cộng để làm đẹp cho môi trường sống nên việc làm của người dân là đáng hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng rõ ràng về mặt chất lượng nghệ thuật không ổn chút nào. Nếu chỉ là trường hợp duy nhất, bức tranh gốm này sẽ độc đáo, lạ mắt, nhưng nếu vội vàng nhân rộng những thảm họa thẩm mỹ có thể xảy ra - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phân tích.
Họa sĩ Ngô Thành Vinh, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Việc dùng mỹ thuật để trang trí nơi công cộng bằng vốn xã hội hóa là việc làm nên ủng hộ. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ làm gì và làm như thế nào? Mỹ thuật dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa đều đề cao cái đẹp, tính độc nhất và duy nhất. Vì thế, nếu nói nhân rộng một tác phẩm nghệ thuật (cứ giả sử đó là một tác phẩm có giá trị) đã không ổn chút nào. Chưa kể nếu tác phẩm đó có giá trị thẩm mỹ thấp mà nhân rộng thì mọi chuyện rất nguy hiểm”.
Một giải pháp khác trong vấn đề này là người dân và họa sĩ cùng hợp tác. Chia sẻ ý kiến, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển Lãm, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nói: “Mỗi nơi cần tìm một cách làm khác nhau, tìm sự độc đáo riêng và cần thiết phải tìm đến những người có chuyên môn để được tư vấn. Chắc chắn rằng nếu có các nhà kiến trúc, điêu khắc, họa sĩ thì các sản phẩm trang trí không gian công cộng sẽ đẹp, phù hợp và phong phú hơn rất nhiều. Thậm chí, nếu cần thì sẽ có nhiều họa sĩ tư vấn không công khi được cộng đồng hỏi ý kiến…”.
Cũng theo nhà phê bình này, nếu thực sự làm được như vậy, chúng ta không chỉ góp phần làm giảm nạn “rác tường” mà quan trọng hơn, dần dần nâng cao được nhận thức thẩm mỹ của người dân. Vấn đề là chúng ta có làm được hay không mà thôi.