Nghệ thuật công cộng ở nước ta dường như chỉ chú trọng vào xây dựng các tượng đài hoành tráng mà không chú ý lắm đến các loại hình khác, phản ảnh cuộc sống đa dạng và sôi động của cộng đồng, không chỉ là sự giải trí nhất thời hoặc tô điểm không gian sống mà còn lưu giữ cả dòng chảy âm thầm của văn hóa cộng đồng.
Nổi bật nhất trong nghệ thuật cộng đồng của chúng ta là “Con đường gốm sứ” tại Thủ đô. Chỉ riêng việc tạo dựng nên con đường này đã nói lên sự gắn kết của cả cộng đồng với rất nhiều người tham gia cùng bao nhiêu là tâm lực.
Ấy vậy mà nó đang xuống cấp nghiêm trọng, hoang phế cùng thời gian, minh chứng rõ nhất cho sự thờ ơ từ phía chính quyền, thiếu tôn trọng và gìn giữ từ phía người dân. Những nghệ sỹ sắp đặt “Tháp” ở hồ Gươm còn bị hẩm hiu hơn khi người dân tưởng đó là nhà vệ sinh đi “nhầm” vào đó.
Ví dụ nhỏ đó cho thấy nghệ thuật công cộng không dễ dàng gì để thưởng lãm, nó không chỉ cần một không gian phù hợp mà phải phù hợp với trình độ dân trí cùng sở thích, nhu cầu của người thưởng thức nữa.
Những người tâm huyết với nghệ thuật công cộng thường gặp khó trong việc tìm kiếm sự đồng tình của chính quyền, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, từ cần không gian cho một nhóm tượng hay một khoảng tường cho một bức phù điêu.
Nghệ thuật công cộng, đúng với “bản năng” của nó là sự sáng tạo tự phát, phong trào graffiti là một dẫn chứng hoặc như phố bích họa ở Hà Nội hay làng bích họa ở Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ninh đều do một nhóm người “tự ý” làm nên cả.
Trong khi đó, nghệ thuật công cộng “chính danh” lại có những biểu hiện mà dân chúng không thích, không đồng tình, ví dụ như con rồng giống con kỳ đà ở Hải Phòng hoặc các bức tượng cứ na ná giống nhau của các nhân vật lịch sử khác nhau.
Rồi những bông hoa sen bằng sắt, rồi ý tưởng đưa hình ảnh King Kong trấn giữ hồ Gươm... Đó là một thực trạng mà ngành Văn hóa phải nhìn nhận cho đúng, vận hành đúng quỹ đạo gắn kết mà nghệ thuật công cộng mang lại.
Trong chính cái “tự phát” của nghệ thuật công cộng đã chứng tỏ rằng hiện tại những cư dân trong một cộng đồng muốn tiếp cận cái đẹp và cùng thưởng thức, coi đó là tài sản, niềm tự hào của một phố nhỏ, một ngôi làng nơi thôn dã. Nhu cầu văn hóa chính đáng đó nên được khuyến khích và nhân rộng. Không ít ngôi làng nổi tiếng trên thế giới, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút cả triệu du khách tham quan được làm nên chính bởi nghệ thuật công cộng bản sắc và đặc trưng mà ngôi làng đó lưu giữ.
Tại các đô thị cũng vậy, ở châu Âu, quảng trường của các tòa thị chính cũ trở thành điểm du lịch là do các loại hình nghệ thuật công cộng nơi đây, từ kiến trúc đến điêu khắc, từ nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian đến việc hóa thân vào các nhân vật cổ tích, biểu diễn các bản nhạc đồng quê,...
Nghệ thuật công cộng của ta có truyền thống từ xa xưa, công trình điêu khắc trong các kiến trúc chùa chiền, đền miếu, đình làng hay trên chiếu chèo, điển tích trong ca dao, dân ca hay những trò phong vị dân gian,... ngay cả những bức tượng nhà mồ ở Tây Nguyên cũng là những nghệ thuật công cộng độc đáo, phản ánh nét văn hóa, phong tục của một dân tộc và ta “đọc” được nhều điều ở các nhà mồ này. Những gì vừa dẫn ra trên đây chứng tỏ cha ông ta coi trọng không gian công cộng trong một cộng đồng nhỏ bé như thôn làng đến “linh hồn” của cả quốc gia (Đền Hùng là một dẫn chứng).
Nghệ thật công cộng như một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa cộng đồng. Phát triển và gìn giữ nghệ thuật công cộng đồng nghĩa với việc làm giàu có tinh thần, tạo nên sự vui tươi và hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống “đáng sống”. Vậy cần một sự quan tâm và đầu tư thích đáng thay vì thái độ thờ ơ.