Đừng 'té nước theo mưa'

Vừa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, vừa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, “té nước theo mưa”, đây là những công việc mà các cơ quan chức năng đang nỗ lực làm tốt để củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư...

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, tiến hành điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Công điện nêu rõ hàng loạt giải pháp cấp bách, trước mắt và cả giải pháp căn cơ, lâu dài, hướng tới mục tiêu bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ quy định pháp luật, phòng, chống hiệu quả các hành vi lợi dụng, hành vi vi phạm để trục lợi.

Mới nhất, ngày 11/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục ký ban hành Công điện số 311/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, chính xác về tình hình hoạt động thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu… của cơ quan chức năng để nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng; không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, thất thiệt, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường.

Thực tế, ngay từ đầu tháng 12/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát, dự báo tình hình đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới hơn 436 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hình thức huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành. Kênh huy động vốn này được tạo điều kiện để thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội. Cần thấy rằng vụ Tân Hoàng Minh không phải là toàn bộ "bức tranh" phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức phát hành vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, cần được chấn chỉnh, quản lý, giám sát chặt chẽ hơn và có biện pháp xử lý kịp thời để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh, "bịt" những kẽ hở có thể lợi dụng hoặc những điểm chưa chặt chẽ có thể gây ra vi phạm pháp luật ngoài ý muốn chủ quan của tổ chức phát hành.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới.

Một số chính sách đang đề xuất bao gồm: Thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến rộng rãi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin của Bộ Tài chính, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, ý kiến bằng văn bản và đối thoại trực tiếp với thành viên thị trường. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.

Mặt khác, một vấn đề rất đáng lưu tâm là lợi dụng việc Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án vi phạm pháp luật, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, được cho là vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản), thu hút lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội; xuất hiện những bình luận, chia sẻ cho rằng thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp này, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, gây hoang mang dư luận.

Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bộ Công an đã khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đang chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước cho quá trình phục hồi và phát triển.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, đột phá, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn xã hội. Khi có dấu hiệu của tội phạm hình sự rõ ràng thì không thể bỏ qua và việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ giúp các doanh nghiệp chân chính, làm ăn tử tế có cơ hội phát triển bền vững, các nhà đầu tư được hoạt động trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Nghị quyết 50/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20/5/2021 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các loại thị trường và các yếu tố thị trường; mặt khác, thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đông thời không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Điều này góp phần giúp những người kinh doanh chân chính yên tâm, từ đó huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực hợp pháp, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...