Di sản đô thị liên tục biến mất
Chục năm về trước, phóng viên từng đến thăm một khu nhà cổ tại quận 9, TP HCM. Đó là một quần thể nhà nằm quây quần tương tự một "làng" xứ Huế, với nhiều ngôi nhà rường, ngói liệt, các cột kèo gỗ, với giếng nước rêu phong nằm nép mình trong những khu vườn cau, vườn trái tươi mát.
Hỏi ra mới biết, khi xưa, đó là một khu làng của những người Nam gốc Huế thuộc những gia tộc giàu có, đã thuê nguyên tốp thợ Huế vài chục người vào khu quận 9 ngày nay để mở xưởng, làm nhà kiểu nhà rường. Những ngôi nhà cổ ấy từng là niềm tự hào của chủ nhân xa xưa sống trên những mảnh đất này.
Khi ấy, phóng viên từng chứng kiến trong hàng chục căn nhà cổ, chỉ còn vài ba căn được chủ nhân chăm sóc, bảo tồn tốt nên giữ nguyên được vẻ đẹp, một số khác thành nhà hoang, bỏ mặc cho mưa gió, không ai ở.
Ngôi nhà từng thuộc về một trong những điền chủ giàu nhất vùng xa xưa, với diện tích lớn, quy mô, lúc ấy chỉ còn là phế tích khi những chủ nhân đời sau đã dọn đi nơi khác sinh sống hết, chỉ còn một người cháu đích tôn bệnh tật sống leo lét trong trong căn nhà cột mục, đá sập và mái ngói mỗi ngày rơi xuống một vài viên, ngói chất đầy góc nhà và những mảng trời thi nhau lộ ra. Thời điểm ấy, cũng dấy lên ý kiến mong mỏi sự quan tâm kịp thời và bảo tồn khu nhà cổ này.
Tiếc thay, 10 năm sau quay lại, khu nhà cổ đã hầu như không còn vết dấu. Tại khu vực này chỉ còn lại một vài căn, trong đó có 2 căn khá đẹp của ông Huỳnh Hữu Thời và ông Nguyễn Văn Giác đã được thẩm định, nằm trong diện được bảo tồn. Tuy nhiên, trớ trêu thay hai căn nhà này lại nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao, thế nên có lẽ sắp tới cũng đành biến mất.
TP HCM không thiếu những trường hợp di sản "biến mất" trong công cuộc phát triển đô thị như thế. Mới đây chứ không xa, cảng Ba Son, di tích lịch sử gắn với nhiều giai đoạn của Sài Gòn xưa cũng đã đành dẹp bỏ, nhường chỗ cho những khu đô thị hiện đại bậc nhất ven bờ sông Sài Gòn.
Vài năm trước, nhiều người dân đã đồng thời kí tên mong muốn giữ lại Thương xá TAX, một khu thương xá tượng trưng cho sự hoa lệ, sầm uất kinh doanh của Sài Gòn một thời, với kiến trúc tuyệt đẹp đặc trưng kiểu Pháp. Tuy nhiên, tòa thương xá gắn với kí ức nhiều thế hệ Sài Gòn đã phải nhường chỗ cho công trình metro - phương tiện giao thông hiện đại không thể thiếu của đô thị mới.
Thi thoảng, người ta lại thót tim khi nghe thông tin về một ngôi nhà cổ trăm tuổi, một di sản cổ bị đối xử không khác gì... phế tích. Nguyên một dãy nhà cổ ven kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé từng khiến nhiều người yêu Sài Gòn phải say mê vì vẻ đẹp cổ điển cũng đã ra đi cho sự xuất hiện của Đại lộ Đông Tây. Rồi những thủy đài lớn, có từ thời Pháp thuộc cũng dần dà bị tháo dỡ hết trong vòng 2 năm qua trong niềm tiếc nuối của người dân và giới kiến trúc.
Giờ đây, số di sản trên địa bàn TP HCM đang đứng trước nguy cơ bị dỡ bỏ không phải là ít. Tòa nhà Dinh Thượng ở số 59 - 61 Lý Tự Trọng, một tòa nhà gần 160 tuổi, một trong những cơ quan hành chính thời Pháp thuộc cũng nằm trong nguy cơ ấy, trước những đề án nâng cấp đô thị.
Thiếu hiểu biết sẽ thiếu trân trọng?
Mới đây, tại buổi Hội thảo “Di sản đô thị TP HCM và Nam Bộ trong quá trình đô thị hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) phối hợp cùng Bảo tàng TP và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có những phân tích về nguyên nhân "biến mất" của các di sản đô thị, trong đó có 2 nguyên nhân lớn tồn tại: thiếu hiểu biết về di sản và quy tất cả ra mét vuông, ra "tiền tươi thóc thật". Đây quả thật là hai nguyên nhân thường thấy dẫn đến cách ứng xử "không coi di sản ra gì" thường gặp thời gian qua.
Một ví dụ, năm 2015, tòa nhà Bưu điện TP HCM bỗng dưng được sơn lại một màu vàng chóe khiến người dân giật mình. Sau khi bị phản đối mạnh mẽ, tòa bưu điện này đã được chi hàng đống tiền để sơn lại, trả lại màu sơn gốc cổ kính của nó. Câu chuyện "thích sơn gì thì sơn" cũng đã cho thấy cái tầm của những người quản lý di sản, sự thiếu hiểu biết và trân trọng di sản.
Tư duy "quy về tiền" cũng có thế được nhận thấy thông qua cách quy hoạch, tháo dỡ không thương tiếc. Thời đại "tấc đất tấc vàng", đối với nhiều người, những ngôi nhà cổ, cũ tọa lạc trên những vị trí "vàng" có thể “đẻ” ra vô số tiền là khó chấp nhận, vì thế, các công trình cổ phải biến mất, nhường chỗ theo họ là hợp lý.
Thế nên, khi xem xét quy hoạch, người ta có thể nắn đường, dời khu vì lo đến vấn đề tiền đền bù, hay có thể chỉ vì tránh ngôi nhà một vài cá nhân nào đó, nhưng di sản thì không nằm trong nhiều sự lăn tăn ấy, di sản không thể “đẻ” ra tiền, phải hy sinh.
Nhiều người còn nhớ, cách đây vài năm, một nhà cổ trăm tuổi nằm trên đường Võ Văn Tần còn được cho thuê khoảng sân để làm... quán nhậu, và kế sau đó là cửa hàng buôn bán đồ gỗ. Một căn nhà cổ trăm tuổi khác, góc Cách Mạng Tháng 8, quận 3 còn suýt bị ủi sập để lấy mặt bằng xây dựng công trình cao ốc, nếu người dân không phát hiện ra.
Nếu người quản lý thiếu hiểu biết, thiếu tình yêu với di sản, nếu tư duy quy tất cả ra giá trị m2, giá trị về tiền còn tồn tại trong việc quản lý di sản, thì thời gian tới, việc di sản biến mất sẽ là điều mà người dân TP đành phải chấp nhận. Con cháu chúng ta sau này có lẽ sẽ có rất nhiều công trình hiện đại, nhưng thiếu đi những góc nhỏ sâu lắng, rất đẹp, rất xưa.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trường ĐH KHXHNV: “Chúng ta nếu muốn bảo tồn di sản và phát huy giá trị thì phải biết tường tận về nó. Đến nay, chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc trên địa bàn TP HCM.
Công việc thống kê này không đơn thuần tên gọi, quan trọng là lý lịch của di tích. Không nên để tình trạng di tích biến mất không dấu vết, có chăng trong ký ức của một số người, rồi cũng sẽ biến mất khi họ ra đi”.
TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: "Nhìn chung, xu hướng bảo tồn đô thị mang giá trị di sản của TP chủ yếu vẫn dựa vào khung pháp lý cứng như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan.
Song quá trình áp dụng thực tế còn nhiều bất cập và chậm trễ dẫn đến sự biến mất của nhiều giá trị vốn có và làm thay đổi cảnh quan kiến trúc trong một thời gian ngắn. Thêm vào đó là lối tư duy “mặt tiền, mét vuông” thiên về lợi nhuận cũng làm cho cơn lốc nhà cao tầng xoáy sâu vào các khu đất vàng trên địa bàn trung tâm TP”.