Tiếp viên không được mang va-li to
Từ ngày 17/3, theo một chỉ thị vừa được Tổng Giám đốc TCty Hàng không Việt Nam (VNA) ký ban hành, tất cả tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các đường bay ngắn/trung chỉ được mang cặp bay/va-li xe kéo nhỏ. Đối với đường bay dài đi châu Âu, Úc và chuyên cơ có thời gian lưu trú dài ngày mới sử dụng va-li to. Túi đựng áo khoác phải cho vào trong va-li/cặp bay.
Theo cách giải thích của hãng này thì hạn chế kích thước hành lý của tổ bay để không có điều kiện cho những ai muốn mang hàng lậu về nước.
Thời gian qua, nhiều trường hợp tổ bay mang hành lý, vận chuyển hàng hóa trên các chuyến bay quốc tế sai quy định được nói là đã “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của VNA”.
Tuy nhiên, theo một số nữ tiếp viên thì đây là quy định có phần “vơ đũa cả nắm”, “coi thường người lao động”. “Nếu ai buôn lậu, phát hiện thấy thì hãng cứ đuổi việc thẳng tay theo quy chế. Nhưng đừng vơ đũa cả nắm. Đơn cử như có những điểm đến thời tiết rất lạnh, nếu vì khống chế kích thước va-li mà không được mang nhiều quần áo ấm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổ bay” - một nữ tiếp viên nói.
Công nhân chỉ được đi tè theo “giờ vàng”
VNA là DN mới nhất điền tên vào danh sách những đơn vị có “quái chiêu” quản lý nhân viên ở Việt Nam. Ngay trước trường hợp này, Báo PLVN cũng vừa đề cập đến trường hợp tại Cty TNHH Shilla Bags Việt Nam, quận 12, TP.HCM (100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất vali, túi xách). Công ty này quy định, trong một ngày công nhân chỉ được đi vệ sinh đúng vào hai thời điểm: sáng từ 9h30 đến 10h30 và chiều từ 14h đến15h. Ngoài hai thời điểm trên, thời gian còn lại đóng cửa xưởng, ai muốn đi cũng không giải quyết.
Đã vậy, trong hai giờ đó, để được đi vệ sinh, công nhân lại phải xếp hàng xin cấp thẻ để đi vệ sinh như mua… tem phiếu, ngoài ra phải ghi rõ họ tên, thời gian đi vào sổ. Đáng nói, mỗi chuyền (gần 100 người) nhưng chỉ được cấp 3 cái thẻ, người đến trước có thẻ, người sau chỉ có nước chắp tay cầu cho người đi trước mau mau trở ra!
Ngoài quy định về thời gian đi vệ sinh, Cty này còn nghĩ ra đủ trò khác như quy định phạt “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” công nhân như… cầu thủ bóng đá. Anh M - một công nhân lớn tuổi nói với PLVN: “Từ 7h30 Cty mới bắt đầu làm việc nhưng mới 7h20 là bảo vệ đã đóng cổng, công nhân đi sau 7h20 sẽ bị đuổi về và trừ ngày công, tiền chuyên cần, bậc thợ. Còn nếu bị phạt 2 thẻ vàng sẽ tương đương 1 chiếc thẻ đỏ, và khi đó bị cho nghỉ việc. Họ đã ăn gian 10 phút của công nhân mà còn phạt ngược lại chúng tôi”.
Kiểu quản lý quái đản này đã khiến công nhân “tức nước vỡ bờ”, tiến hành ngừng việc phản đối liên tục từ hôm 12/3.
Cảnh sát giao thông không mang quá 100.000đ, giáo viên không được mặc váy
Không riêng gì DN bày đặt “quái chiêu” quản lý nhân viên, nhiều cơ quan nhà nước, cơ quan sự nghiệp cũng “sáng tạo” ra không ít quy định “lạ”.
Điển hình như việc Công an TP.HCM từng yêu cầu cảnh sát giao thông khi đi làm nhiệm vụ không được mang quá 100.000 đồng trong ví. Quy định này được giải thích là nhằm kiểm soát hoạt động, tránh tiêu cực của cảnh sát giao thông.
Theo đó, chiến sĩ cảnh sát giao thông thành phố khi đi làm nhiệm vụ trên đường không được mang quá 100.000 đồng. Nếu có việc gấp cần phải mang nhiều hơn để sử dụng sau giờ làm việc thì phải niêm phong số tiền đó lại và có chữ ký của lãnh đạo đội. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông còn không được sử dụng điện thoại di động trong lúc làm nhiệm vụ.
Kinh nghiệm của TP.HCM sau đó được nhiều nơi khác áp dụng. Công an tỉnh Kon Tum thậm chí còn thành lập Tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên ngành Giáo dục, có thể lấy ví dụ là quy định tại Trường THCS và THPT Việt Trung (Bố Trạch, Quảng Bình), “cấm” giáo viên nữ không được mặc váy lên lớp trong năm học mới 2013-2014.
Tuy nhiên, sau khi bị dư luận “ném đá”, Hiệu trưởng nhà trường đã rút lại quy định này, cho rằng đó mới là dự thảo, được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên trước khi vào năm học mới chứ hiện tại trường chưa bắt buộc thực hiện.
Theo vị này thì sở dĩ đề xuất như vậy vì lo rằng trong quá trình đứng lớp có thể sẽ tạo ra các tình huống khó xử cho giáo viên trước mặt học sinh.
Có thể thấy rằng, hầu hết các quy định trái khoáy này vốn đều không có trong quy chế cơ quan. Vì những tình huống phát sinh trên thực tế mà lãnh đạo đơn vị mới buộc phải ban hành, kèm theo lời giải thích là một cách để quản lý nhân viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Tuy nhiên, dù có lý giải thế nào thì cũng không thể không thừa nhận rằng trình độ quản lý như vậy là hết sức hạn chế.