"Đừng nên mơ ước về một sự bằng chằn chặn giống nhau như đôi đũa, mà sự khác nhau là cần thiết và sự hòa hợp vợ chồng xuất phát từ chính sự khác nhau đó. Nếu cái gì cũng giống nhau, từ ý thích đến tình cảm ham muốn giống nhau sẽ nảy sinh sự nhàm chán", nhà văn Ngô Quang Hưng, chuyên viên văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, chia sẻ.- Khi chia tay, người ta cứ hay đổ tại là không hợp nhau. Nhiều năm công tác ở mảng văn hóa, gia đình, theo ông, làm thế nào để có được sự hòa hợp vợ chồng?
Ông Ngô Quang Hưng |
- Quan niệm vợ chồng là giao lưu văn hóa ứng xử, mỗi người có thế mạnh riêng để tạo lực hút. Mối tương đồng đó là lực hút nhau ở những nét chưa tương đồng lại hòa hợp với nhau. Chúng ta không thể tìm được vợ chồng hòa hợp nhau 100% từ sở thích đến ý nghĩ, sự khác biệt có biểu hiện trái tính trái nết mà vẫn nằm trong tổng hòa xã hội lại giúp tạo ra sự khăng khít.
“Chồng thấp vợ cao như đôi đũa lệnh so sao cho bằng”, nhưng cũng đừng nên mơ ước về một sự bằng chằn chặn giống nhau như đôi đũa, mà sự khác nhau là cần thiết và sự hòa hợp vợ chồng xuất phát từ chính sự khác nhau đó. Nếu cái gì cũng giống nhau, từ ý thích đến tình cảm ham muốn giống nhau sẽ nảy sinh sự nhàm chán.
Người vợ luôn tìm thấy ở người chồng cái mình không có, và ngược lại người chồng thấy được ở vợ cái mà mình thiếu. Đó là sự khám phá. Người vợ và người chồng nhìn nhau với tư cách là tấm gương soi hình bóng mình trong đó. Nếu hai tấm gương không có dấu ấn khác nhau thì cả hai không thấy gì, nghĩa là bằng không.
Vợ chồng khác nhau về giới tính, tuổi tác, tính tình... rất rõ. Nếu hai người đều tính đàn ông cả thì sự xung khắc sẽ xảy ra, làm triệt tiêu mối quan hệ vợ chồng. Hòa hợp trong sự khác biệt, và có sự khác biệt vẫn tạo ra sự hòa hợp thì đấy mới là cuộc sống, là vợ chồng.
- Chính vì khác nhau nên nhiều khi vợ chồng khó tránh được có những ý thích trái ngược nhau, vậy thì làm thế nào có sự thống nhất trong gia đình, thưa ông?
- Khi vợ chồng không chung sở thích thì người vợ phải tìm ra ý kiến khác người chồng nhưng phải hòa hợp với những cái đang có, sẽ có trong cuộc sống của họ, mà sự khác ấy mang tính thuyết phục. Chứ người vợ chấp nhận ý kiến người chồng thì là người vợ kém. Để rồi hai sự khác nhau đó tạo ra sự hòa hợp mới thì sẽ tạo ra hiệu quả cấp số nhân.
- Xin hỏi ông văn hóa ứng xử vợ chồng cần hiểu như thế nào cho đúng với tầm giá trị của nó?
- Văn hóa ứng xử vợ chồng về tầm quan trọng có thể sánh bằng ứng xử văn hóa công sở, xã hội, với ứng xử dân tộc. Thế nên trong gia đình nó phải là mối quan tâm hàng đầu. Gia đình là một phần không thể thiếu của cuộc sống, nên ứng xử giữa vợ chồng là mối quan hệ ứng xử mang tính hạt nhân là trung tâm của các ứng xử khác.
Thuận vợ thuận chồng không chỉ giữ yên ấm gia đình mà còn tác động ra xã hội, là thước đo khuôn vàng thước ngọc cho bạn bè, con cái và xã hội. Trước hết phải nói quan hệ vợ chồng dựa trên nền tảng văn hoá truyền thống, tôn ti trật tự giữa vợ chồng mang lại giá trị tốt bền vững.
Sự bình đẳng là dựa trên sự tôn trọng, tâm phục khẩu phục nhau. Người chồng có sức thuyết phục mới tạo niềm tin ở người vợ, và ngược lại. Người vợ phát huy thế mạnh của nữ tính (chăm sóc, lo toan cho gia đình, hiền dịu...) là nguồn cảm hoá lớn lao với người chồng.
- Ông nghĩ thế nào về cách giải thuyết sao cho ổn thỏa những mâu thuẫn trong giáo dục con trẻ thời nay, bởi đây luôn là một trong những lý do chính khiến cha mẹ mâu thuẫn với nhau?
- Trong quan hệ vợ chồng nhiều khi xảy ra xung khắc, như người chồng thích hướng cho con thế này, nhưng người vợ lại muốn hướng khác. Định hướng của cha mẹ với con là vô cùng cần thiết, nên được hình thành đồng thời với ý định sinh con. Con cái phải được nuôi dưỡng, lớn lên trong định hướng thông minh, khôn ngoan và phù hợp của cha mẹ.
Nếu làm được thì ít xảy ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và nảy sinh những xung khắc với những sắp đặt của cha mẹ với con. Đối với con, phần lớn kiến thức của trẻ ngày càng rộng ra, còn kiến thức của cha mẹ ngày càng thu hẹp lại.
Cha mẹ chỉ là đặt những viên gạch mang tính định hướng nền móng, còn việc xây dựng những viên gạch vững chắc phù hợp với thế mạnh của con thì là ở con cái. Cha mẹ hãy gieo vào con cái niềm tin, ý chí là quan trọng. Còn những bước đi cụ thể là tuỳ thuộc con, bên cạnh sự khuyến khích của cha mẹ.
Nếu người con chỉ biết nhất nhất vâng lời cha mẹ, mà không tự lực, tự cường trong sự suy nghĩ, tình cảm của mình đó chỉ là đứa con ngoan, có hiếu chứ chưa chắc là đứa con hơn cha. Còn nếu cố tình sao chép lại những ý nghĩ, tình cảm, kiến thức của cha mẹ, thì người con ấy chỉ là bản photo mà bản photo ấy lại kém bản chính là cha mẹ. Thế nên, mong rằng cha mẹ đừng biến con mình thành bản sao của mình.
- Cảm ơn ông!
Cường Nhật (thực hiện)