Trước đó, HĐND cấp tỉnh cũng sẽ ban hành Nghị quyết quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, quy định địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành nghề ưu đãi đầu tư. Nói chung Nghị quyết này cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư với mức ưu đãi nhất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… và ngoài những quy định chính sách ưu đãi đầu tư chung của Nhà nước, tỉnh còn có các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác.
Chủ trương phương pháp là đúng đắn, nhưng thực tế ở một số địa phương, hiệu quả từ việc kêu gọi đầu tư chưa cao. Như một lãnh đạo UBND TP HCM nói tại buổi giám sát của HĐND TP HCM về cải thiện môi trường đầu tư vừa qua. Ông cho biết nguyên nhân là phần lớn trong tổng số 197 dự án TP HCM kêu gọi đầu tư chưa đủ điều kiện, nên dù các doanh nghiệp quan tâm cũng không thể triển khai. “Tôi mắc cỡ khi cứ đi mời gọi đầu tư ở nước ngoài. Mang danh sách các dự án đi mà không giải quyết được gì. Nếu không thay đổi việc này dần dần nhà đầu tư sẽ chán không tới nữa”, ông nói.
Năm 2022, TP HCM công bố danh mục 197 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn gần 944.000 tỷ đồng, trên 10 lĩnh vực như hạ tầng giao thông, môi trường, công nghiệp, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, hầu hết dự án chưa đủ điều kiện mà chỉ có tên, vị trí, tổng mức vốn. TP cũng chưa có tiêu chí cụ thể trước khi đưa các dự án ra đấu thầu. Do đó, khi ra nước ngoài mời gọi, các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm nhưng dự án nào cũng vướng, nên không thể triển khai.
Theo vị lãnh đạo UBND TP HCM, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên là dự án chưa rõ thẩm quyền nên chưa xác định được nguồn lực đầu tư (công hay tư nhân) và phải áp dụng luật nào. Bởi dự án đầu tư công sẽ áp dụng Luật Đầu tư công, phải trình HĐND TP duyệt; còn dự án tư nhân áp dụng Luật Đầu tư, không cần trình HĐND.
Lý do khác là đất có quy hoạch nhưng hiện trạng sử dụng không như cũ, gây khó giải phóng mặt bằng. TP thiếu quỹ đất sạch. Ngoài đất công, hầu hết đất của các dự án đều chưa “sạch”. Từ đây nảy sinh vướng mắc, nếu Nhà nước thu hồi để giao đất sạch cho nhà đầu tư thì thành dự án đầu tư công, quá trình thực hiện rất khó khăn.
Nguyên nhân nữa, hiện các tiêu chí để đưa dự án ra đấu thầu như pháp lý, dự án thuộc loại nào, phương thức gì trong đầu tư tư nhân... chưa có khiến nhiều công trình bị vướng, không thể triển khai.
Về giải pháp, vị lãnh đạo UBND TP cho rằng cần khuyến khích nhà đầu tư đề xuất dự án, thay vì chính quyền “vẽ ra” rồi mới kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Việc này dẫn đến tình trạng dự án thiết kế không phù hợp, khó thu hồi vốn và nhà đầu tư không mặn mà, còn nếu đề xuất cách làm khác cơ quan Nhà nước lại không chịu. “Tinh thần là tháo khoán”, ông đề xuất và cho rằng tư nhân đầu tư nhanh vì họ quyết định làm thì 1 năm sẽ xong, sau đó 5 năm thu lời. Còn cơ quan Nhà nước quyết định xong, 5 năm sau mới có chủ trương, rồi 5 năm nữa mới bỏ tiền đầu tư nên dự án bị đội vốn, cơ sở vật chất lại lạc hậu.
Ngoài ra, với dự án đầu tư công, ông cho rằng chi phí vận hành của các ban quản lý lấy từ 2% tổng mức đầu tư dự án, nhưng nhiều địa phương có rất ít dự án khiến ban “không đủ sống”, dẫn đến trách nhiệm và tinh thần làm việc không cao. Do đó, ông đề xuất nên gom các địa phương ít dự án lại thành ban quản lý dự án khu vực để thu gọn bộ máy và cán bộ có động lực làm việc.
Có thể ở các địa phương khác, thực tế dự án kêu gọi đầu tư không diễn ra giống như ở TP HCM, là nơi “đất chật, người đông”, “tấc đất, tấc vàng”. Tuy nhiên, những ý kiến rất thực tế nêu trên cũng cần thiết để Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành xem xét nghiên cứu, tìm phương án giúp TP đầu tàu kinh tế thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều vốn đầu tư hơn.