TikTok xuất phát từ một ứng dụng quay video tại Trung Quốc, đã nhanh chóng lớn mạnh trong vài năm qua và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Youtube cũng như Facebook trong đăng tải video. Nếu như Youtube, Facebook có đối tượng tham gia đa dạng các độ tuổi thì TikTok chủ yếu hướng đến người dùng là giới trẻ, trong đó có không ít trẻ vị thành niên.
Những trò chơi nguy hại
Mới đây, tại Ý, cái chết của một bé gái 10 tuổi do tham gia trò chơi thử thách trên TikTok đã làm cho giới chức nước này phải đề ra các biện pháp ngăn chặn. Bé gái 10 tuổi ở Palermo, Silicy được cho là chết ngạt sau khi tham gia một thử thách mang tên “blackout” (bất tỉnh) được lan truyền trên TikTok.
Để tham gia thử thách này, người dùng phải quấn thắt lưng quanh cổ để tự làm mình bất tỉnh vài giây trong lúc ghi hình điện thoại. Bé gái nói trên đã thực hiện thử thách trong phòng tắm và ngất xỉu, khi gia đình phát hiện đã không kịp cứu chữa.
Chiếc điện thoại đã bị tịch thu để làm bằng chứng. Bên cạnh việc điều tra xem thực sự đây có phải một cuộc xúi giục tự sát trên mạng xã hội hay không, cơ quan chức năng ở Ý đã yêu cầu TikTok phải chặn những tài khoản chưa được xác minh độ tuổi tại quốc gia này cho đến ngày 15/2. Đại diện của TikTok ở Ý cũng đang rà soát các tài khoản có đăng tải những trò chơi thử thách “thần chết” nói trên.
Sự việc làm dư luận nhớ lại nhiều cái chết thương tâm của các em nhỏ khi tham gia các trò chơi nguy hiểm lan truyền trên Youtube trước kia: có em bị tai nạn khi nhảy từ trên cao xuống, có em chết ngạt với thử thách nhúng đầu vào bồn tắm, cắt cổ tay… Sau khi Youtube quyết định thay đổi các chính sách, siết chặt quản lý đối với người dùng là trẻ vị thành niên, những hậu quả thương tâm đã được hạn chế tương đối.
Quay lại vụ việc của bé gái 10 tuổi ở Palermo. Câu chuyện nói trên xảy ra ở Ý, TikTok đang cùng giới chức nước này “xử lý” các lỗ hổng. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, số lượng người dùng TikTok đang tăng cao mỗi ngày và mối nguy đe dọa trẻ em cũng sẽ ở mức toàn cầu.
Thoải mái hiển thị
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đã phản ảnh phát hiện nhiều video có nội dung độc hại trên TikTok, như các trò chơi nguy hiểm, quảng cáo phản cảm mà trẻ em có thể xem tùy thích.
Chị Nguyễn Lê Thu Hiền, giáo viên tiểu học, ngụ tại đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh chia sẻ: “Con gái tôi mới 12 tuổi, thích quay video mọi lúc, mọi nơi. Các clip cháu tạo ra cũng hay hay, cháu cho biết là quay bằng TikTok, tôi cũng tưởng là một ứng dụng quay phim cho vui thôi. Ai ngờ mới đây tôi thấy cháu bỗng dưng quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ, bảo với mẹ là lớn tí nữa con sẽ đi phẫu thuật cho đẹp như người này, người nọ.
Tôi phát hoảng hỏi cháu sao lại có suy nghĩ thế thì cháu cho biết ngày nào TikTok cũng hiển thị những clip “lột xác” nhờ phẫu thuật thẩm mỹ nên cháu nghĩ phải phẫu thuật mới đẹp, được nhiều người yêu quý. Tôi vào tài khoản TikTok của con xem thì thấy rất nhiều clip quảng cáo quay cảnh phẫu thuật, từ mũi, mắt đến ngực…
Cạnh đó còn không ít đoạn clip nằm trong mục “xu hướng” nhưng có nội dung khá nhảm nhỉ, chửi tục trên nền nhạc. Tôi thực sự lo ngại nếu các cháu cứ sử dụng những ứng dụng như thế này mà cha mẹ không biết để kiểm soát sẽ ảnh hưởng không hay đến tâm lý các cháu”.
TikTok có quy định hạn chế người dùng từ 13 tuổi trở xuống, tức các em dưới độ tuổi này sẽ không được đăng kí tài khoản trên TikTok. Tuy nhiên, quy định là như thế, còn thực tế, vì quản lý lỏng lẻo và đang trong giai đoạn thu hút người dùng hàng loạt, nên TikTok có vẻ như đã “mắt nhắm mắt mở” cho hàng loạt trẻ em tham gia mạng này. Có thể thấy, rất nhiều học sinh tiểu học, cấp 2 có tài khoản TikTok.
Một chuyên gia về mạng xã hội đã ví von, hiện giới trẻ đang “ăn, ngủ cùng TikTok” khi các công cụ của ứng dụng này giúp người dùng trẻ tuổi nhanh chóng tạo thành những video hấp dẫn, vui nhộn cùng các hiệu ứng âm thanh và hình ảnh. Đồng thời, giới trẻ cũng dễ dàng cập nhật các “trend” trên TikTok.
Là một môi trường mạng xã hội mới mẻ, đang được giới trẻ ưa chuộng, hiệu quả tiếp cận cao mà mức phí rẻ, lại ít quy định chặt chẽ, nên TikTok cũng đồng thời thu hút một lượng lớn những người kinh doanh ở tất cả các mảng tham gia quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình.
Từ những lỏng lẻo trong quản lý độ tuổi tiếp cận của TikTok, trẻ em có tài khoản trên ứng dụng này rất dễ tiếp cận những quảng cáo trá hình, những cái bẫy của các trò chơi nguy hiểm, hoặc clip có nội dung xấu, lừa đảo, cờ bạc…
Trước những chỉ trích mạnh mẽ từ phía dư luận, gần đây TikTok đã thay đổi một số chính sách và tuyên bố sẽ siết chặt quản lý hơn đối với các tài khoản nhỏ tuổi. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi nhà phát triển mạng xã hội này thay đổi và có hiệu quả thực sự, trước mắt, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi cho con tham gia một ứng dụng mạng tưởng chừng vô thưởng vô phạt như TikTok và nhiều ứng dụng mới tương tự.