“Thử thách Cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) bắt nguồn từ Nga vào khoảng 3 năm trước. Qua mạng xã hội, quản trị viên dùng tài khoản ảo xúi giục người tham gia thực hiện nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, giết động vật… và cuối cùng là tự sát vào ngày cuối cùng.
Cá voi xanh và thực trạng đáng báo động
Nạn nhân của trò chơi “Thử thách Cá voi xanh” thường bắt đầu tham gia khi nhận được một đường link lạ trên mạng xã hội, do quản trị viên lập ra hướng tới người chơi. Sau khi đồng ý tham gia, người chơi sẽ bị ràng buộc và phải thực hiện các nhiệm vụ được giao. Khi đồng ý tham gia “Thử thách Cá voi xanh”, người chơi phải khai đầy đủ thông tin cá nhân của mình cho các quản trị viên. Chính những thông tin này sẽ là thứ chúng dùng để uy hiếp, khủng bố tinh thần khi nạn nhân muốn dừng chơi. Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời khi hưởng ứng trào lưu “Cá voi xanh” từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.
Tháng 4/2018, trong cuộc họp giao ban về thông tin, tuyên truyền, dư luận xã hội (do Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần), một số ý kiến ở cơ sở phản ánh một hiện tượng rất đáng lo ngại rằng hời gian gần đây trong dư luận cha mẹ học sinh rất lo lắng trước sự xuất hiện của trò chơi “Thử thách Cá voi xanh” trong học sinh nhiều trường học trong huyện. Cụ thể, có hiện tượng một số thanh thiếu niên trên địa bàn huyện, nhất là học sinh bậc THCS, có biểu hiện tham gia trò chơi này. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên internet.
Theo đánh giá của các nhà hoạt động xã hội về trẻ em “Thử thách Cá voi xanh” thực sự là một mối đe dọa trẻ em đến từ môi trường mạng vì trò chơi xúi giục người chơi tự tử. Từ “Thử thách Cá voi xanh” có thể thấy càng ngày, các rủi ro đến từ môi trường mạng càng đa dạng và không thể lường hết được.
Trong khi đó, thống kê cho thấy, cứ 3 người dụng internet trên thế giới thì có 1 người là trẻ em, ở Việt Nam theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thì hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 (tính đến tháng 1/2017 Việt Nam có 50,05 triệu người dùng internet chiếm 53% dân số, 63 triệu người dùng mạng xã hội).
Nhưng phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít em học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học và cha mẹ chỉ dạy học sinh kỹ năng sử dụng internet chứ không dạy về cách sử dụng an toàn.
Bảo vệ cách nào?
Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH hiện nay ở Việt Nam các quy định pháp luật để giúp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã có hiệu lực thi hành như Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.“Tuy luật đầy đủ như vậy nhưng ý thức chấp hành của cá nhân tổ chức vẫn là quan trọng nhất vì trên thực tế nhiều cá nhân tổ chức vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này do thiếu hiểu biết hay vì mục đích lợi nhuận”, ông Nam nhấn mạnh và đưa ra dẫn chứng chương trình Got Tallent tuy xuất phát từ nước Anh và mẫu chương trình cũng như mẫu hợp đồng được nhiều quốc gia mua bản quyền chương trình chấp nhận, sử dụng. Tuy nhiên khi xem xét thấy rằng trong hợp đồng còn thiếu những điều khoản về bảo vệ trẻ em khi hình ảnh cá nhân của các em được sử dụng trong cuộc thi, bảo vệ các em khỏi những sang chấn tâm lý do hoạt động cuộc thi mang lại...
Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin – Truyền thông nhận định các hoạt động của trẻ em trên internet hiện nay khá đa dạng như: nhắn tin, gọi điện có camera, email, chia sẻ dữ liệu, chơi trò chơi trực tuyến, sử dụng mạng xã hội... Vì thế, hơn lúc nào hết bên cạnh giải pháp về quản lý nhà nước và quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ, các bậc cha mẹ cần tự trang bị kỹ năng để bảo vệ con em mình.
Ví dụ như với trò chơi “Thử thách Cá voi xanh” theo khuyến cáo của chuyên gia thì đây là trò chơi truyền thông xã hội, bắt nguồn và lây lan chủ yếu qua các ứng dụng mạng. Bởi vậy, một trong những cách ngăn chặn hiểm họa này là sự tỉnh táo, cẩn thận khi sử dụng mạng xã hội của người dùng. Cha mẹ, người thân là những người gần gũi nhất với thanh thiếu niên, có thể can thiệp sớm nếu thấy con mình có biểu hiện tham gia trào lưu nguy hiểm. Hầu hết nạn nhân đều khó có thể tự thoát ra khỏi trò chơi nếu bị uy hiếp, đe dọa. Sự can thiệp của gia đình, chuyên gia sẽ giúp nạn nhân thoát khỏi trò chơi.
Do đó theo khuyến cáo của đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin – Truyền thông thì cha mẹ nên để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối mạng ở phòng ngủ của cha mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con; cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em, kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ đồng hành và trình duyệt web... “Nếu có con nghiện games, cha mẹ nên sử dụng Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để gặp các chuyên gia xã hội, tâm lý, nhằm tháo gỡ và đưa ra giải pháp giúp gia đình”, ông Đặng Hoa Nam bổ sung.