Chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, diễn ra hôm nay, 29/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất, thường lấy đi 1-1,5% GDP. Chỉ riêng năm 2017, 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới đã gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt,
"Phải nhận thức được thiên tai không theo quy luật nào, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống an lành của người dân. Nếu để người dân lâm vào cảnh đói, rét, màn trời chiếu đất do công tác phòng chống, nhận thức kém thì đó là trách nhiệm của chúng ta", Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ. “Tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước".
Theo Thủ tướng, phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro. Muốn giảm thiệt hại thì phải lấy phòng ngừa là chính, quan tâm đầu tư phòng ngừa. Nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của các ngành để giảm thiểu rủi ro do thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công-tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp... Đồng thời, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, phải có tổ chức bộ máy, thể chế tốt hơn nữa cho công tác phòng chống thiên tai với tinh thần “gọn mà tinh, cán bộ phải giỏi, trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người dân, hướng về người dân”.
Chia sẻ về thời gian công tác ở địa phương, khi xảy ra lũ lụt, chính quyền phải ra lệnh xử lý lợn của dân rồi đền bù để hạn chế tình trạng người dân tiếc của, vì con lợn mà cố ở lại nhà trong bão lũ hay ôm lợn đi trên thuyền rồi tròng trành, lật thuyền, chết người, Thủ tướng nhấn mạnh, làm công tác này thì cán bộ càng phải có trách nhiệm cao với người dân. Người đứng đầu Chính phủ nhất trí với phát biểu của nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ rằng gọi điện thoại cũng tốt nhưng đến vùng bão trước khi bão đến, đi sát dân, có biện pháp chủ động di dời thì tốt hơn.
“Hội nghị này là hội nghị quán triệt tinh thần trách nhiệm đối với chính quyền, hệ thống phòng chống thiên tai cả nước để lo cho dân. Có tâm huyết thì mới sáng tạo được, chứ thờ ơ trước bão lũ thì không thể được”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực điều hành. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo các cấp phải hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả, chủ động, chứ không phải đến mùa mưa lũ mới hoạt động. Phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là vào theo dõi, quan trắc, dự báo, không để tái diễn việc sạt lở núi gây chết nhiều người như năm ngoái. Truyền thông về phòng chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.