Chuyện nhỏ nhưng kéo dài, đặc biệt coi người ta là “con nợ khó đòi” đến nỗi phải “kêu cứu”, không chỉ là chuyện quấy rầy mà là xúc phạm, vu khống khiến người lương thiện không yên. Đó là biểu hiện của xử sự đứng ngoài pháp luật, không phải là “quan hệ dân sự” đơn thuần mà là hành vi vi phạm pháp luật, những cơ quan duy trì trật tự xã hội không thể đứng ngoài cuộc.
Chuyện nhỏ khác, những thanh niên vô công, rồi nghề ở Phú Thọ, đêm hôm mang hung khí lên đường cao tốc chặn xe, “xin đểu” và coi đó là trò vui, còn quay phát trực tiếp trên Facebook. Hành vi “trêu ngươi” pháp luật và xâm phạm tính mạng, tải sản người khác đã bị truy tố. Tuy nhiên, ngăn chặn và không để xảy ra chuyện này thì mới là công việc chính của các cơ quan có chức năng “vì bình yên cuộc sống”.
Cũng giống như những thanh niên trẻ người, non dạ có phần dại dột khi thực hiện một hành vi cấu thành tội cướp, 3 phóng viên trẻ vừa được một tờ báo nhận vào làm tập sự từ ngày 01/01/2018 đã gây ra ngay một vụ tống tiền ở Bắc Giang. Họ đến nhà một người, chìa thẻ phóng viên và cho “khổ chủ” biết, ông ta có đơn tố cáo đến báo chí vì có quan hệ bất chính, cái giá cho sự im lặng là 50 triệu đồng. Công an đã vào cuộc kịp thời và bắt quả tang hành vi tống tiền này. Tất nhiên, sự nghiệp báo chí mới được 1 tuần của họ chấm dứt từ đây song một sự day dứt không yên trong lòng xã hội là tại sao nhân danh báo chí lại thực hiện một hành vi tống tiền trắng trợn đến như thế?
Mặt khác, xét về phía các nạn nhân, rõ ràng là tâm lý “an phận thủ thường” chi phối họ rất lớn, chính nỗi sợ ám ảnh họ mà không dám phản kháng hoặc công khai mọi chuyện. Anh nghệ sỹ hài không tìm đến cơ quan công an mà kêu cứu trên báo chí, không một tài xế nào dừng lại để “nói chuyện” với mấy thanh niên ngổ ngáo kia, người bị tống tiền cũng ngậm ngùi mua sự im lặng. Vì thế, những hành vi trái pháp luật, coi thường con người càng được dịp lộng hành.
Chung quy lại, vẫn là ý thức pháp luật và sự tuân thủ pháp luật chưa có một môi trường xã hội đủ lành mạnh để phát triển và thắng thế cái ác, cái xấu. Sự nơm nớp, âu lo sợ một “tay bay, vạ gió” đang hiện diện trong xã hội của chúng ta chừng nào sự thượng tôn pháp luật còn chưa chiếm thế thượng phong.