Muôn vàn lý do ly hôn lạ lùng
Có người ly hôn với lý do như sau khi cưới thì “ông ăn chả, bà ăn nem”, có kẻ ly hôn vì mâu thuẫn hàng ngày không được giải quyết khi về sống chung. Cũng có cặp ly hôn khi chồng thành đạt, được thăng quan tiến chức thì nảy sinh thói hư tật xấu, coi thường sự đóng góp của người vợ dẫn đến tình huống éo le, đẩy ra đình đến cảnh ly tan… Cũng có những cặp ly hôn lý do lạ lùng, khiến Hội đồng xét xử cũng phải “khó xử”.
Trường hợp của bà D.T.Đ.H (51 tuổi, ở Hoài Nhơn, Bình Định) là một ví dụ với lý do ly hôn khá khôi hài. Ra tòa ly hôn, bà DTĐH yêu cầu chồng cũ là ông NT (70 tuổi, ngụ cùng địa phương) phải trả công làm vợ cho bà mỗi ngày 100.000 đồng trong khoảng thời gian chín năm hai tháng chung sống.
Theo hồ sơ, năm 2005, ông NT và bà DTĐH cùng “đi bước nữa” với nhau. Đến năm 2012, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên bà H nộp đơn xin ly hôn. Tháng 7/2014, Tòa án nhân dân huyện Hoài Nhơn xử sơ thẩm, chấp nhận cho hai vợ chồng ly hôn. Về tài sản, hầu hết nhà cửa, đất đai đều do ông T. tạo lập, đứng tên trước khi kết hôn với bà H. nên tòa tuyên ông T. chia cho bà H. một nửa giá trị tài sản chung của vợ chồng cùng làm ra trong thời gian chung sống là gần 24 triệu đồng. Ngoài ra, ông T còn tự nguyện bồi thường thêm cho bà H. 5 triệu đồng.
Không chấp nhận phán quyết của tòa, bà H. kháng cáo, yêu cầu ông T. phải tính cho bà khoản tiền làm vợ trong thời gian chung sống với “giá” 100.000 đồng mỗi ngày. Tại phiên xử phúc thẩm, bà H. vẫn một mực yêu cầu: “Do ưng ổng nên tôi mới “xuất giá”. Khi lấy ổng, tôi đã giao nhà của chồng cũ của tôi (đã mất) cho con trai nên nay tôi không thể về đó ở được.
Tôi yêu cầu ông NT phải có nghĩa vụ lo nhà cửa mới cho tôi nhưng ổng không chịu. Do đó, tôi đề nghị tòa buộc ổng phải trả tiền công tôi đã làm vợ mỗi ngày là 100.000 đồng. Nếu không ưng ổng, giờ này tôi đã có nhà lầu xe hơi rồi”.
Hội đồng xét xử phải nhiều lần giải thích cho bà H. là pháp luật không có quy định tính công làm vợ. Hơn nữa, vợ chồng là tình cảm, đạo nghĩa không thể quy ra tiền. Tại phiên phúc thẩm ngày 21/10 vừa qua, Tòa Dân sự Tòa án nhan dân tỉnh Bình Định đã bác kháng cáo của bà H.
Ngoài trường hợp của bà H, nhiều cặp vợ chồng đưa nhau ra toà để ly hôn với những lý do hết sức ngớ ngẩn, vụn vặt. Có người vì không chịu được, sở đoảng, sở thích, đam mê của người bạn đời như: thích uống cafe, cuồng xe đạp, nấu ăn dở… cũng đòi ly hôn.
Chị M. (ngụ xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) nộp đơn ra Tòa án nhân dân huyện này xin ly hôn anh Tr. với lý do hai người chung sống không hạnh phúc, thường xuyên bất hòa. Theo chị M., anh Tr. không lo làm ăn mà chỉ ham đi uống cà phê với bạn, không quan tâm đến gia đình, vợ con. Chị đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng không đạt kết quả. Do vậy, chị quyết định ly hôn với anh Tr. vì nghĩ đó là cách tốt nhất để mỗi người có cuộc sống tự do của riêng mình.
Trước đây, trong thời gian sống chung, hai người có hai con chung. Hiện cháu lớn đã trưởng thành, cháu nhỏ đang sống với chị. Khi ly hôn, chị yêu cầu được nuôi cháu nhỏ và yêu cầu anh Tr. cấp dưỡng nuôi con theo quy định. Trong khi đó, anh Tr. không đồng ý ly hôn, trình bày rằng hai vợ chồng từ lúc cưới nhau tuy nghèo nhưng tình cảm rất đầm ấm. Từ lúc vợ anh làm đơn xin ly hôn, anh không thể về nhà được nữa vì vợ anh cấm không cho anh về. Mặc dù vậy, anh vẫn còn thương vợ và nghĩ đến tương lai của các con nên muốn đoàn tụ.
Xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm đã bác yêu cầu xin ly hôn của chị M. Chị M. kháng cáo cho rằng chị không còn tình cảm với anh Tr. Xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre nhận định: Theo biên bản hòa giải và tờ tường trình trong hồ sơ cho thấy mâu thuẫn vợ chồng giữa chị M. với anh Tr. xuất phát từ việc chị M. chat và gọi điện thoại nói chuyện thân mật với người đàn ông khác trên Zalo. Tuy vậy, anh Tr. vẫn thương vợ, sẵn sàng bỏ qua và mong muốn được tiếp tục lo cho vợ con.
Hình minh họa |
Ngoài ra, theo tòa phúc thẩm, việc anh Tr. có đi chơi, uống cà phê với bạn bè cũng không có gì quá đáng mà là việc bình thường của một người đàn ông. Từ đó cho thấy mâu thuẫn giữa chị M. với anh Tr. chưa thật sự trầm trọng. Nguyên nhân ly hôn của chị M. đưa ra là chưa chính đáng. Án sơ thẩm bác yêu cầu xin ly hôn của chị M. là phù hợp. Kháng cáo của chị M. là không có cơ sở để chấp nhận.
Ly hôn vì cho rằng vợ lấy 3000$
Theo lời kể của một luật sư Phan Tiến Duy - thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, trong các vụ án ly hôn mà ông từng tham gia bảo vệ, thì có lẽ đáng tiếc nhất là trường hợp ly hôn của bà T.T.K.V và ông Đ.T.C. Vợ chồng ông C và bà V đều là người có học thức, trình độ cao. Cả hai đều là cán bộ, viên chức nhà nước. Ông C còn được giữ chức vụ cao tại một bộ quan trọng.
Ông C và bà V đã có một tình yêu đẹp. Khi hai người đến với nhau, các bạn bè đồng trang lứa cũng như gia đình đều mừng thầm vì dường như họ là một cặp trời sinh ra để dành cho nhau. Đến với nhau từ khi còn nghèo khó, cả ông C và bà V đều lăn lộn kiếm sống, mưu sinh để mong rằng có một nền tảng kinh tế vững chắc.
Khi mới cưới, vợ chồng bà V sinh sống trong một căn hộ tập thể nhỏ bé tại Thanh Xuân Bắc. Hơn một năm sau khi cưới, cậu con trai bé bỏng chào đời. Đó như là một quả ngọt của cây tình yêu mà họ vun vén bao năm. Vài năm sau, họ có thêm một cô con gái bé bỏng, xinh xắn.
Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, ông C được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp ủng hộ nên được giao nhiệm vụ là phó Tổng cục trưởng của một Tổng cục. Bà V cũng được đơn vị tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách một văn phòng đại diện tại nước ngoài. Công việc tiến triển, kinh tế gia đình khá giả hơn nhưng cũng kể từ đó, vợ chồng bà V. lại xảy ra nhiều mâu thuẫn. Không khí gia đình luôn trong cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Những chuyến công tác xa, nhưng buổi tiếp khách về muộn của ông C. và cả những ngày lăn lộn bên xứ người của bà V. khiến cho tình cảm vợ chồng dần nguội nhạt. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi bà V. biết ông C. có mối quan hệ bất chính với đồng nghiệp. Vì muốn gìn giữ tổ ấm bé nhỏ của mình, bà V. chấp nhận nuốt nỗi đau bị phản bội để cùng ông C. chăm lo cho gia đình.
Thế nhưng, nỗi đau của bà V. lại càng như nhân đôi, khi ông C. lại một lần nữa phạm sai lầm. Lần này nghiêm trọng hơn, ông C. sẵn sàng từ bỏ gia đình mà ông và bà V. hơn 20 năm xây đắp. Để có cái lý do “chính đáng” cho việc ly hôn của mình mà không phải là do ngoại tình, ông C. bèn tạo dựng lên một việc khiến bà V. vô cùng sốc và cảm thấy bị tổn thương.
Trình bày lý do ly hôn với toà, ngoài những câu chuyện bất hoà trong cuộc sống, ông C. còn cho rằng bà V. hoặc bố bà V. đã lấy cắp 3000$ của mình. Ông C. cho rằng sau khi đi làm về, ông cất số tiền đó trong tủ của 2 vợ chồng. Nhưng đến sáng hôm sau, khi mở tủ thì ông không thấy số tiền đó.
Ông C. cho rằng từ chiều tối hôm trước đến sáng ngày hôm sau, không có ai ra vào nhà, ngoài 2 vợ chồng và bố bà V. ở cùng nhà nên số tiền bị mất chỉ có thể do bà V. hoặc bố bà V. lấy. Do đó ông C. cho rằng vợ chồng không thể tin tưởng và hoà hợp với nhau, nên đề nghị toà công nhận ly hôn.
Việc ông C. cho rằng bố mình lấy số tiền trên khiến bà V. cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Tại phiên toà, bà V. cũng đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ việc ai đã lấy số tiền trên, hoặc có hay không việc ông C. bị mất số tiền đó. Nhưng Hội đồng xét xử đã không xem xét đề nghị của bà V. và chấp nhận yêu cầu khởi kiện ly hôn của ông C.
Ngoài các câu chuyện kể trên, thực tế trong cuộc sống có vô vàn câu chuyện ly hôn với những lý do khác nhau. Nhưng có thể thấy, hậu quả của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai người mà nó còn kéo theo gia đình đổ vỡ, những đứa trẻ bị khuyết về tình cảm của bố hoặc mẹ, thiếu tự tin trong cuộc sống, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Gia đình là nơi mà trong mỗi chúng ta đều tìm về sau những giờ làm việc vất vả.
Vì vậy đừng để nó trở thành địa ngục, hãy có cái nhìn chân thực nhất về hôn nhân của mình và cần tìm ra căn nguyên của các mâu thuẫn gia đình để xử lý một cách triệt để. Cũng như chúng ta cũng không nên bi quan khi mối quan hệ vợ chồng khiến họ cảm thấy khổ đau ấy kết thúc.