Đừng để “bóng ma rượu” ám ảnh ngày xuân

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ngộ độc rượu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ngộ độc rượu.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc tụ tập vui chơi, ăn uống của người dân giảm bớt khá nhiều, kéo theo việc giảm hẳn số ca cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn do đánh nhau có nguyên nhân từ say rượu và các ca ngộ độc rượu tại các bệnh viện.

Tuy vậy, cũng vẫn còn không ít trường hợp phải nhập viện ngày Tết vì “ma men” và ngành Y tế lo ngại trong thời điểm du xuân tháng Giêng với quan niệm là “tháng ăn chơi”, tình trạng này sẽ còn tăng cao.

Các ca cấp cứu ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng vẫn còn

Báo cáo nhanh về tình hình khám, chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn, ngộ độc của Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế tại 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc, thì trong 6 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 (từ 29 đến mùng 5 Tết), số ca khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông, tai nạn do đánh nhau, tai nạn do vũ khí hay vật liệu nổ đều giảm từ 18% đến 40% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.

Tuy nhiên, với tai nạn do đánh nhau, chỉ trong 6 ngày Tết, đã có hơn 2.800 ca cấp cứu, trong số đó 1.245 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 195 trường hợp tử vong. Phần lớn các ca tai nạn do đánh nhau đều có sự “góp mặt” của “ma men”. Bộ Y tế cũng ghi nhận chỉ riêng trong ngày mùng 4 Tết tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn là 74 trường hợp, trong đó 59 trường hợp được xác định là ngộ độc uống quá nhiều rượu hoặc do sử dụng rượu kém chất lượng.

Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…). Ngành y tế đã từng đưa ra những khuyến cáo để phòng tránh ngộ độc rượu như: không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…

Cần biết rằng ở điều kiện bình thường khi tiếp xúc methenol không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, khi đi vào cơ thể qua đường uống, methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5 đến 15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong.

Các ca cấp cứu ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng vẫn còn cao.

Các ca cấp cứu ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng vẫn còn cao.

Nhưng xem ra khuyến cáo này chưa được người dân chú ý bằng chứng là các ca cấp cứu ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng vẫn còn và về nguyên nhân các chuyên gia cho rằng đó là do các loại rượu có pha cồn công nghiệp methanol vẫn được bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng nhưng chưa được kiểm soát tốt.

Quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi

Nếu như với ngành Y tế, các ca cấp cứu do sử dụng rượu kém chất lượng, rượu có pha cồn công nghiệp methanol làm đau đầu bác sĩ, thì với các cơ quan quản lý thị trường, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, dẫn tới nhiều thiệt hại, bất chấp nỗ lực từ cấp trung ương tới địa phương.

Để tăng cường quản lý rượu thủ công, theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm việc sản xuất rượu thủ công, xử lý những cơ sở lớn nhưng lại đăng ký không nhằm mục đích kinh doanh, hoặc không có giấy phép sản xuất. Với Bộ Công Thương, cần sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng. Rà soát lại các quy định pháp luật về quản lý rượu thủ công để hạn chế những lỗ hổng pháp lý. Với Bộ Tài chính, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công có vi phạm pháp luật về thuế hay trốn thuế…

Từ tháng 11/2020 tới tháng 5/2021, một chương trình khảo sát về sản xuất rượu thủ công tại tỉnh Ninh Bình cho thấy tại tỉnh này có khoảng 4.500 hộ sản xuất rượu thủ công, nhưng chỉ có 14 hộ được cấp phép. Trong đó, hơn 450 hộ sản xuất từ 1.000 lít /năm trở lên, còn gần 4.000 hộ sản xuất dưới 1.000 lít/năm. Điều đáng nói, các hộ sản xuất rượu thủ công (453 hộ) có sản lượng hàng năm từ 1.000 lít trở lên, lại kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”. Trên thực tế đây là con số rất lớn, vượt quá khả năng tiêu dùng trong gia đình. Có 74,8% số hộ sản xuất rượu thủ công chưa kê khai. Có 85,2% số hộ không nắm được quy định cần phải kê khai với chính quyền.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) năm 2020, tại Việt Nam, lượng cồn nguyên chất tiêu thụ trong năm 2016 của khu vực phi chính thức ước đạt trên 385,4 triệu lít, chiếm 63% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường. Trong đó, sản lượng rượu thủ công chiếm 70-90%, ước tính 308 triệu lít cồn nguyên chất, với giá trị tiêu thụ là 1.156 triệu USD. Tổn thất về thuế đối với khu vực này khoảng 751 triệu USD (tương đương 17 ngàn tỷ đồng). Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là nhiệm vụ bất khả thi, dẫn tới nhiều thiệt hại.

Thực tế này cho thấy nhận thức rất hạn chế của chính những người sản xuất rượu thủ công, trong khi các quy định của pháp luật về quản lý rượu chưa đi vào thực tế và việc quản lý của các cơ quan chức năng còn khá lỏng lẻo. Trao đổi với truyền thông ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết việc quản lý rượu thủ công rất khó khăn. Với số hộ sản xuất rượu như hiện tại, tỉnh Ninh Bình muốn kiểm tra hết một năm/lần thì bình quân mỗi ngày phải kiểm tra trên 10 cơ sở. Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, chưa kể thiếu những quy định cụ thể. Đơn cử như với rượu nấu thủ công dùng trong gia đình, không để bán, hiện không có quy định nào để quản lý, nên rất bất cập.

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng chỉ ra nguyên nhân khiến việc quản lý rượu thủ công trên cả nước lâu nay vẫn bất khả thi như lực lượng cán bộ xã mỏng, không có chuyên môn và chuyên trách; lực lượng quản lý thị trường tại nhiều địa phương còn thiếu, địa bàn rộng, đối tượng quản lý quy mô nhỏ và phân tán; chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội; ý thức người dân chưa cao, hiểu biết hạn chế… Ngoài ra, việc phân công quản lý rượu thủ công cũng thiếu chặt chẽ, đồng bộ, chẳng hạn như rượu trắng do ngành Công Thương quản lý, còn rượu ngâm do ngành Y tế quản lý, nhưng ngành Y tế lại chỉ quản lý khía cạnh an toàn thực phẩm; trong khi đó, có những sản phẩm chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, như rượu ngâm bán tại nhà hàng…

Cuối năm 2021, trên địa bàn TP HCM đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc khiến hơn 20 người phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng 10 người bị ngộ độc nặng đã tử vong. PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của cộng đồng. Với những người có điều kiện eo hẹp về kinh tế, thay vì chọn mua những sản phẩm có xuất xứ, có nguồn gốc họ có xu hướng chọn mua những loại thức uống có cồn không rõ nguồn gốc để tiết kiệm chi phí. Từ thực tế các vụ ngộ độc cho thấy, rượu pha chế từ cồn công nghiệp đang len lỏi trên thị trường, rất khó kiểm soát. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục

TP Cần Thơ đẩy mạnh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trên địa bàn. (Nguồn: Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

(PLVN) -  Việc hầu hết các em học sinh (HS) khi gặp vấn đề tâm lý không biết phải gặp ai, làm gì để giúp các em vượt qua là phản ánh rõ nét cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống.

Đọc thêm

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.