“Sập bẫy” lừa trên mạng, tan nát gia đình
Mới đây, câu chuyện chị N.T.H, ngụ tại một khu chung cư ở TP Hồ Chí Minh bị lừa tiền tỉ đã khiến cư dân khu vực này bàng hoàng. Thời gian qua, chị H do muốn tự lập một “quỹ riêng” cho mình thoải mái mua sắm, làm đẹp nên đã nghe lời một người bạn trên mạng dụ dỗ tham gia “nhiệm vụ online” để kiếm tiền.
Sau một khoảng thời gian nhận được “huê hồng” hàng chục triệu đồng, chị H nghe theo lời xúi giục, mạnh dạn rút tiền từ sổ tiết kiệm, vay mượn thêm người thân để mong số tiền này sinh lợi gấp nhiều lần. Cho đến khi phát hiện ra bị lừa, chị H đã chuyển khoản cho người bạn trên mạng số tiền gần 2 tỉ đồng. Vì sự việc này, gia đình chị H đứng trước nguy cơ lớn.
Trên mạng xã hội, những trò lừa đảo tiền bạc diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản giả mạo, xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn hảo để thu hút sự chú ý và lòng tin của người dùng. Một khi đã chiếm được lòng tin, chúng sẽ dần dần yêu cầu các khoản tiền với lý do khó khăn tài chính, bệnh tật hoặc các dự án đầu tư hứa hẹn sinh lời cao.
Tăng cường “nội lực” gia đình
Ở những “bẫy” lừa tình, lừa tiền trên mạng, nạn nhân không phải chỉ là những người “sập bẫy” lừa đảo, mà là cả một gia đình. Trong đó, người tổn thương là bạn đời của những nạn nhân, là con cái của họ, là những gia đình đang êm ấm bỗng chốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì sụp đổ niềm tin, mất đi nền tảng kinh tế, vì một người “đi lạc” ra khỏi gia đình mình.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, để giảm thiểu tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống hôn nhân, việc nâng cao nhận thức và giáo dục về các rủi ro là vô cùng quan trọng. Các cặp vợ chồng cần xây dựng một nền tảng tin cậy vững chắc, thường xuyên chia sẻ và trò chuyện về những vấn đề gặp phải.
Ngoài ra, việc thiết lập các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng mạng xã hội trong gia đình cũng là một biện pháp hữu hiệu. Cạnh đó, các thành viên trong gia đình cần xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh, cùng nhau tham gia nhiều hoạt động thực tế hơn là đắm chìm trong “thế giới ảo” của riêng mình.
Khi sự việc không hay đã xảy đến, chuyên gia Lê Thị Minh Nga khuyên rằng, các cặp vợ chồng hãy thảo luận một cách trung thực, bình tĩnh. Tránh buộc tội hoặc phán xét ngay lập tức mà hãy lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân thực sự. Việc tái thiết lập niềm tin đòi hỏi thời gian, nỗ lực từ cả hai phía, cần cùng nhau xây dựng lại sự tin tưởng bằng cách thể hiện sự thành thật, cam kết thay đổi, nỗ lực vun vén cho gia đình.
Chuyên gia Lê Thị Minh Nga cho rằng, phòng ngừa và ứng phó trước những rủi ro từ mạng xã hội đòi hỏi sự cảnh giác, thấu hiểu và hợp tác từ cả hai vợ chồng. Bằng cách xây dựng niềm tin, thiết lập quy tắc và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần, các cặp vợ chồng có thể bảo vệ, duy trì hạnh phúc gia đình trước những thử thách của thời đại số.