Chỉ cần dành phần lẻ của con số 11.000 tỷ đồng đầu tư cho việc nâng cao hiệu quả dạy và học môn lịch sử, chắc chắn truyền thống cha ông sẽ thấm đẫm vào các thế hệ trẻ hơn nhiều so với việc để những di vật quá khứ nằm cô đơn trong tủ kính.
“Vắng như Bảo tàng Hà Nội” |
Khi ngay tại Hà Nội, người dân vẫn thức trắng đêm, giẫm đạp lên nhau để đăng ký cho con học trường công, bệnh nhân vẫn phải nằm chung giường ở bệnh viện, thì đối với nhiều người, đề xuất dành hơn 11 nghìn tỷ đồng từ tiền thuế của dân để xây dựng thêm một bảo tàng thật lạc lõng.
Mới đây thôi, hình ảnh 460 em học sinh trường tiểu học Thành Sơn (xã Thành Sơn, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) phải quỳ gối trong ngày khai trường vì không có ghế để ngồi đã gây chấn động tấm lòng người Việt khắp mọi nơi. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, Bộ Xây Dựng đã ký tờ trình về việc thẩm định Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng số tiền lên đến hơn 11 nghìn tỷ đồng từ vốn ngân sách quốc gia.
Có thể nói, chưa có đất nước nào mà nhiều bảo tàng công như nước ta, hầu hết các tỉnh thành đều có bảo tàng riêng. Đương nhiên, thủ đô văn hiến thì phải giành luôn ngôi vị “quán quân” về số bảo tàng. Chúng ta đã có Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ Thuật.., rồi mỗi bộ, ban, ngành cũng đều có bảo tàng riêng.
Con số thống kê có khi phải lên đến hàng chục, hàng trăm. Không dừng lại, vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà nước lại đầu tư thêm 2.500 tỷ xây Bảo tàng Hà Nội. Số tiền bằng tổng thu nhập của một tỉnh nghèo trong cả thập kỷ, thế nhưng, đã qua 2 năm công trình vẫn gần như để trống, chưa nói mưa dột, xuống cấp trầm trọng và bị báo chí ví là “siêu lãng phí”.
Trước thực trạng như vậy, dư luận không thể hiểu nổi tại sao cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đề xuất bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây dựng thêm một bảo tàng nữa tại thủ đô? Chỉ cần dành chút thời gian quan sát thì một người dân thường cũng có thể thấy gần như tất cả các bảo tàng hiện tại đều vắng lặng khách tham quan. Bảo tàng Hà Nội là một minh chứng điển hình.
Tòa nhà nghìn tỷ chỉ thực sự sôi động trong ngày đầu khánh thành, còn sau đó biến thành một nơi vắng lặng, lạnh lẽo, nằm lạc lõng bên con đường nhộn nhịn người qua lại. Các chuyên gia đều cho rằng, chúng ta còn chưa khai thác hiệu quả đối với số “tài sản” hiện hữu; trình độ, công nghệ công tác bảo tàng vẫn tụt hậu, nhìn chung không hấp dẫn người dân và khách tham quan.
Cả nước hiện có hàng trăm bảo tàng, nhưng số lượng bảo tàng thu hút khách chỉ đếm trên đầu ngón tay: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM)... thu hút được vài trăm lượt khách/ngày. Số còn lại chỉ đón khoảng vài chục lượt khách/ngày. Lượng khách chọn bảo tàng là nơi tham quan chỉ chiếm khoảng 30% tổng số du khách.
Đặc biệt, con số thống kê cho thấy, lượng khách đến thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia liên tục giảm, năm 2010 thậm chí chỉ có trên 100.000 người. Năm ngoái lượng khách thăm quan đã tăng trở lại lên 273.000 người. Tổng lượng khách thăm quan bảo tàng trong 5 năm mới cán mốc 1 triệu lượt. Con số này được cho là quá thấp so với một bảo tàng tấm cỡ quốc gia.
Trong thông điệp gửi tới nhân dân nhân dịp Tết Độc lập 2/9 năm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu lên nhiều vấn đề để chúng ta cần thực tâm suy nghĩ: “... Ngân sách nhà nước thì còn rất eo hẹp, nợ công tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa tồn đọng nhiều, lạm phát đang ăn vào thu nhập của phần đông người lao động... Đó thật sự là những áp lực không nhỏ, không chỉ với bộ máy Đảng, Nhà nước mà với toàn xã hội...”
Lĩnh hội thông điệp của Chủ tịch nước, các cơ quan, ban, ngành cần biết nhìn thẳng vào sự thật để sử dụng ngân sách quốc gia một cách thực sự vì người dân – người nộp thuế, thực tâm thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, tránh đầu tư dàn trãi, không hiểu quả và đầu tư xứng đáng hơn cho phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh này, việc dành 11000 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng cần được cân nhắc một cách hết sức kỹ càng.
Một bạn đọc đã bày tỏ quan điểm khi nghe tin ngân sách nhà nước định bỏ 11.000 tỷ đồng để xây thêm một bảo tàng: “Hãy học Thái Lan, họ sẵn sàng từ bỏ danh hiệu nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới để giúp nông dân có thêm thu nhập. Với 11.000 tỉ đồng sẽ xoá đói giảm nghèo cho hàng chục ngàn hộ gia đình. Mỗi hộ nghèo chỉ cần 50 triệu đồng vốn là thoát nghèo rồi. Hãy ghép Bảo tàng Hà nội với Bảo tàng Lịch sử để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm đầu tư”.
Riêng đối với người viết, thiết nghĩ chỉ cần dành phần lẻ của con số này đầu tư cho việc nâng cao hiệu quả dạy và học môn lịch sử, chắc chắn truyền thống cha ông sẽ thấm đẫm vào các thế hệ trẻ hơn nhiêu so với việc để những di vật quá khư nằm cô đơn trong tủ kính.
Trường Lưu