Taxi công nghệ tăng nhanh về số lượng
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Grabtaxi với ứng dụng Grabcar, Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội với ứng dụng Thanhcong Car, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh với ứng dụng Mailinh Car, Công ty hợp tác đầu tư và phá triển với ứng dụng Home Car, Công ty TNHH Uber Việt Nam với ứng dụng Uber, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang với ứng dụng LB.Car, Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao với ứng dụng Vic.Car.
Theo số liệu của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), tính đến tháng 4/2017, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia đề án thí điểm này vào khoảng hơn 13.500 xe với 235 đơn vị tham gia tại 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM và Khánh Hòa.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GTVT Hà Nội, lượng xe “taxi công nghệ” đã lên tới con số 7.000 xe. Tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở GTVT, ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết, số lượng xe đến cuối tháng 4 là 22.000 xe và “vượt xa sức tưởng tượng của địa phương”.
Về phía taxi truyền thống, hiện ở Hà Nội có 19.200 xe taxi của 77 đơn vị kinh doanh. Hà Nội vẫn giữ nguyên quy hoạch taxi, giữ ổn định số lượng đến năm 2020 mà không cho bất kỳ đơn vị nào tăng thêm đầu xe. Còn tại TPHCM, trong khi taxi truyền thống chỉ có khoảng 11.000 xe từ nhiều năm nay, thì taxi công nghệ dù mới gia nhập thị trường đã gấp đôi con số này.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Taxi Nguyên Minh chia sẻ, dưới hình thức phương tiện cá nhân, mặc dù vẫn cung cấp dịch vụ chở khách, nhưng các chủ xe Grab, Uber không chịu chế tài quản lý, ràng buộc như taxi truyền thống. Ông Minh thừa nhận, taxi truyền thống và taxi công nghệ đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Chị Đặng Mai Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ ngày cài đặt ứng dụng gọi xe của Grab và Uber chị không còn sử dụng dịch vụ taxi truyền thống nữa bởi “lái xe phục vụ chu đáo, xe sạch sẽ vì là phương tiện của cá nhân, giá cước minh bạch, không lo lái xe đi vòng vèo mua đường”.
Hơn nữa, thời gian gần đây, việc tương tác giữa hành khách với Uber và Grab cũng dễ dàng hơn, phản hồi của khách hàng khi có vấn đề với lái xe hay giá cước được phản hồi nhanh chóng, lịch sự khiến người dân ngày càng quay lưng với taxi truyền thống.
Cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ ngày càng quyết liệt/ Ảnh minh họa |
Bộ GTVT ‘tuýt còi’
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của taxi công nghệ có được một phần lại do những lỗ hổng trong quy định pháp luật và quản lý dịch vụ.
Cụ thể, theo quy định trong lĩnh vực vận tải hiện hành, doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ phải chịu nhiều chế tài quản lý như: Thuế, giá, quy định về logo, mào xe, phù hiệu xe, điều kiện, chế độ lái xe…Hiện nay, nhiều tuyến phố taxi không được hoạt động giờ cao điểm. Thêm vào đó, giá cước vận tải dù theo cơ chế thị trường, nhưng khi đơn vị taxi muốn tăng hoặc giảm vẫn phải khai báo với cơ quan chức năng.
Ngược lại, taxi công nghệ có thể dễ dàng thực hiện các chính sách giá, phát triển dịch vụ để cạnh tranh.
Một chiếc xe cá nhân khi ký kết với Uber hoặc Grab thông qua một hợp tác xã vận tải hoặc doanh nghiệp vận tải sẽ nằm trong hệ thống, được cấp tài khoản và tham gia chở khách, thu tiền như taxi truyền thống. Nhưng loại hình này không bị ràng buộc về chính sách, chế độ với lái xe, có thể tăng hoặc giảm tùy thời điểm, hoặc tình hình thời tiết trong ngày.
Trước tình trạng số lượng xe taxi công nghệ tiếp tục gia tăng, vượt ngoài tầm kiểm soát tạo áp lực lên hạ tầng gia thông, gây ra sự thiếu công bằng với taxi truyền thống, đồng thời, gây khó khăn trong việc quản lý, xử phạt, tháng 4/2017, Sở GTVT TPHCM và Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT kết thúc đề án thí điểm taxi công nghệ.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội lý giải, Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng với khối lượng lớn xe buýt, xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao mà không phải là taxi hay xe hợp đồng. Do vậy, cần thiết phải khống chế số lượng cũng như đơn vị tham gia taxi công nghệ.
Để “siết” loại hình taxi này, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị chưa cho Uber thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử tại Thành phố trong năm 2017 nhằm khống chế phát sinh số lượng “taxi không mào”, vốn được cho là làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch phát triển taxi tại TPHCM.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, số lượng xe tham gia thí điểm hiện quá lớn và Bộ này tiến tới sẽ quản lý, siết chặt.
“Tháng 4/2017, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương tham gia thí điểm loại hình taxi công nghệ yêu cầu thống kê, rà soát chính xác số lượng tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới.
Ngoài ra, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về quản lý vận tải, Bộ GTVT cũng đã đưa loại hình taxi Uber, Grab vào đối tượng quản lý. Sau khi có Nghị định 86 sửa đổi, việc quản lý các loại hình taxi này sẽ bảo đảm được sự công bằng hơn”, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay.