Đừng bắt con em phải tham dự 'học kỳ thứ 3'

Học sinh nên được thư giãn, nghỉ ngơi và vui chơi lành mạnh trong mùa hè. (Ảnh minh họa - Nguồn: LuatVietNam)
Học sinh nên được thư giãn, nghỉ ngơi và vui chơi lành mạnh trong mùa hè. (Ảnh minh họa - Nguồn: LuatVietNam)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghỉ hè vốn là khoảng thời gian học sinh mong chờ để được nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, ba tháng hè khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng con cái sẽ sa vào các thú vui không lành mạnh. Vì vậy, hiện nay, nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho con liên tiếp tham dự những khóa học hè, học thêm...

Gấp rút lựa chọn nơi học hè

Chỉ còn chưa đến một tuần nữa kỳ nghỉ hè tại các trường học bắt đầu diễn ra. Mỗi khi mùa hè “chạm ngõ” hàng loạt lớp học thêm bắt đầu được quảng cáo trên mạng xã hội từ lớp kèm các môn như: Ngữ văn, Toán học, Tiếng Việt cho tới các khóa kỹ năng sống dành cho thanh, thiếu niên,... Sự phong phú của lớp học thêm khiến rất nhiều phụ huynh đang “đau đầu” lựa chọn những khóa học cho con cái trong mùa hè này.

Chị Đinh Thị Thanh (48 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, một ngày chị và chồng đi làm tám tiếng, không có thời gian để quản lý con cái trong ba tháng hè: “Tôi lo các cháu sẽ “nghiện” mạng xã hội, sa vào thú vui xấu, quên kiến thức đã học. Nên hè năm nào tôi cũng chỉ cho con nghỉ nửa tháng, rồi bắt đầu sắp xếp các lớp học Tiếng Anh, Toán, mỗi tuần khoảng bốn buổi là vừa đẹp”. Chị cho biết, việc đưa hai cô con gái đang trong độ tuổi dậy thì ở qua đêm trên các trại hè trong và ngoài nước đều khiến chị không an tâm: “Một ngày các cháu chỉ học khoảng 5 - 6 tiếng, vẫn còn thời gian tham gia lớp thể dục với mẹ, vừa rèn luyện sức khỏe, tôi lại có thể kèm cặp, tâm sự, trao đổi nhiều hơn với con cái”.

Giống chị Thanh, gia đình của chị Nguyễn Phương Bình (45 tuổi, Hà Nội) cũng lựa chọn cho con tham gia các lớp học thêm mùa hè: “Như thường lệ, năm nay tôi cũng sẽ cho con tham gia các lớp học hè. Một phần, để các cháu tiếp tục giữ nề nếp học tập đã được rèn luyện trong một năm vừa qua. Ngoài ra, chương trình học trong năm cũng tương đối nặng, tôi muốn các cháu học trước kiến thức, vào năm học, các cháu sẽ không bị áp lực”. Chị cho biết, thông thường các lớp học thêm của con chị sẽ bắt đầu lúc tám rưỡi sáng cho đến ba giờ chiều. Sau khi học xong, các cháu sẽ tham gia những lớp học như bơi lội, vẽ tranh, đàn hát, nhảy hiphop,... để thư giãn, rèn luyện sức khỏe.

Một thực tế, trong guồng quay cuộc sống hiện nay, rất nhiều phụ huynh không có thời gian để chăm lo, quản lý con cái. Mùa hè là thời gian trường học đóng cửa, tám tiếng một ngày các em học sinh được ở nhà tự do, cũng tạo nên rất nhiều bất an trong lòng phụ huynh. Vì vậy, không ít người đã lựa chọn tạo một “học kỳ thứ 3” cho con cái để các em chú tâm học và xa rời những thú vui vô bổ khác.

Phụ huynh, nhà trường có thể giúp học sinh cân bằng học tập và thư giãn trong kỳ nghỉ hè. (Ảnh minh họa - Nguồn: iSchool)

Phụ huynh, nhà trường có thể giúp học sinh cân bằng học tập và thư giãn trong kỳ nghỉ hè. (Ảnh minh họa - Nguồn: iSchool)

Việc phụ huynh tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, thoải mái, bổ ích cho học sinh sẽ không đáng bận tâm, nếu như không có nhiều bậc cha mẹ biến mùa hè thành thời gian để bắt con cái học đủ thứ “cầm, kỳ, thi, họa”. Có những gia đình đăng ký cho con cái học thêm bốn, năm khóa học một ngày. Từ những môn văn hóa như: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý,... cho đến đàn, hát, nhảy, múa, thậm chí cả hùng biện, thuyết trình, kinh doanh, kinh tế. Chỉ cần tra các thanh công cụ tìm kiếm trên mạng, phụ huynh sẽ dễ dàng thấy hàng loạt lớp học từ một tiếng cho đến nửa buổi, thậm chí cả ngày (từ sáng đến chiều) với lịch học toàn những bộ môn “trên trời, dưới đất” dành cho đủ mọi lứa tuổi học sinh.

Đặc biệt, hiện nay, nhiều phụ huynh còn sử dụng thời gian nghỉ hè để cho học sinh chạy trước kiến thức. Những môn học phải mất một năm các em mới học xong, nay được rút ngắn lại tại các lớp trong vòng từ hai đến ba tháng. Điều này khiến mùa hè trở nên áp lực, nặng nề với học sinh khi các em phải “nhồi nhét” khối lượng kiến thức nặng gấp đôi, gấp ba lần trong năm học.

Tận hưởng mùa hè đúng nghĩa

Ngược lại với ý kiến của một số phụ huynh muốn cho con cái học hè, không ít bố mẹ lại mong các em có một mùa hè thật ý nghĩa. Chị Nguyễn Ngọc Trang (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, mùa hè, chị và chồng thường dành thời gian đưa con đi du lịch một đến hai tuần. Sau đó, hai vợ chồng chị sẽ gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, cuối tuần bố mẹ xuống thăm: “Trong năm, thời gian các cháu thư giãn, nghỉ ngơi, gắn bó, kết nối với ông bà, họ hàng không nhiều. Nên vợ chồng tôi dành ¾ kỳ nghỉ hè cho cháu về quê, đi du lịch, đi chơi vào cuối tuần. Phần thời gian còn lại của kỳ nghỉ, mỗi tối các cháu sẽ ôn kiến thức cũ cùng bố mẹ. Còn ban ngày, tôi cho con học những bộ môn thiết yếu cho cuộc sống như bơi lội, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ...”.

Phụ huynh gấp rút chuẩn bị lớp học hè cho học sinh. (Ảnh minh họa - Nguồn: Học tốt - Học mãi)

Phụ huynh gấp rút chuẩn bị lớp học hè cho học sinh. (Ảnh minh họa - Nguồn: Học tốt - Học mãi)

Chị Trang cho biết, trẻ con có trí nhớ rất tốt, nên vài tháng hè chưa thể làm các em quên hết những kiến thức đã học trên trường suốt một năm. Việc nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng sau hai kỳ học căng thẳng trên trường giúp cơ thể các em khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn để chuẩn bị việc học tập: “Theo tôi, ngay cả khi đi du lịch, về quê, đi chơi, các cháu cũng học được rất nhiều điều bổ ích, thực tế mà không nhà trường, sách vở nào dạy được”.

Đồng tình với chị Trang, chị Bích Ngọc (43 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Mùa hè là để các cháu nghỉ ngơi, thư giãn. Thực tế, nghỉ hè hiện nay rất ngắn, có những trường tháng bảy, tháng tám đã tổ chức học hè. Trong kỳ nghỉ, tôi thường để con được tự do đi chơi với bạn bè, đọc sách, ngủ nghỉ, đi du lịch, tham quan các bảo tàng, công viên, buổi tọa đàm hướng nghiệp,...”. Chị cho biết, ý thức của học sinh phải được phụ huynh, gia đình rèn luyện trong nhiều năm, vì vậy, không chỉ vì ba tháng hè mà trở nên buông thả vào những thú vui, tật xấu được.

PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội từng chia sẻ với truyền thông, ba tháng nghỉ hè đem lại rất nhiều lợi ích cho học sinh. Đây vừa là thời gian giúp các em nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập vất vả. Ngoài ra, trước cái nóng hè oi bức cực đoan của một nước nhiệt đới như Việt Nam, nghỉ hè đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh. Với kỳ nghỉ dài này, học sinh có thể tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm các lĩnh vực mà từ trước đến nay các em luôn muốn thử sức. Đây là một khoảng thời gian để học sinh va chạm thực tế, tích lũy thêm những kỹ năng, kiến thức để trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Trên thế giới có không ít nghiên cứu cho thấy việc nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp con người học tập, làm việc năng suất hơn. Nhà khoa học nghiên cứu hành vi đồng thời là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Quy tắc 2 giờ sáng”, Jon Levy đã dành nhiều năm để thực hành nhiều nghiên cứu. Một trong những kết luận được ông đưa ra đó là cơ thể lẫn trí óc con người cần những lúc nghỉ ngơi. Những kỳ nghỉ giúp mọi người trở nên vui vẻ, hạnh phúc và tăng hiệu quả học tập, làm việc sau khi trở lại.

Thực tế, kỳ nghỉ hè sẽ trở nên ý nghĩa, nếu phụ huynh cho học sinh trải nghiệm đúng cách. Đây là một khoảng thời gian tuyệt vời để các em kết nối với gia đình, họ hàng, giao lưu bạn bè, theo đuổi đam mê, thử làm thêm kiếm tiền,... Bên cạnh ưu điểm, ba tháng nghỉ hè vẫn còn những hạn chế mà phụ huynh hoàn toàn có thể khắc phục được.

Lấy ví dụ như việc học sinh xao nhãng học tập, quên kiến thức, phụ huynh, nhà trường hoàn toàn có thể khắc phục được. Việc học tập trong suốt ba tháng hè cũng không cần ngừng lại hoàn toàn. Có rất nhiều cách để phụ huynh giúp học sinh cân bằng vui chơi, học tập. Như chia một nửa thời gian cho các em đi du lịch, đi chơi, một nửa còn lại sẽ ôn tập kiến thức nhẹ nhàng hoặc học một số bộ môn mà học sinh thích. Đặc biệt, nhà trường cũng nên tận dụng khoảng thời gian hè này để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, chương trình hướng nghiệp... Đây là một cách để tạo một mùa hè lành mạnh, bổ ích cho học sinh.

Không phải chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng có kỳ nghỉ hè. Mỗi nơi, học sinh tận dụng kỳ nghỉ hè theo một cách khác nhau tùy thuộc vào thời gian nghỉ ngắn hay dài. Một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có khí hậu mùa hè tương đối dễ chịu, kỳ nghỉ của học sinh dao động từ 2 tuần đến một tháng, các em chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà, ôn lại kiến thức. Một số nước khác như: Mỹ, Úc, Anh quốc, New Zealand, Pháp có thời gian nghỉ hè kéo dài một cho đến hai tháng, học sinh, sinh viên được nhà trường, Chính phủ hỗ trợ để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, lớp học ngoại khóa... Dù ở đất nước nào, kỳ nghỉ hè vô cùng quan trọng, học sinh nên được cân bằng cả học tập và nghỉ ngơi, vui chơi.

Đọc thêm

Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học

Đại diện Lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An ký cam kết hưởng ứng Cuộc Vận động.
(PLVN) - Ngành Giáo dục Nghệ An vừa tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”. Sự kiện nhằm giúp các em học sinh có thể tập trung rèn luyện học tập, cũng như tránh xa những cám dỗ từ mạng xã hội thông qua việc dùng điện thoại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế
(PLVN) -  Trong 2 ngày 17 và 18/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục năm 2024 cho cán bộ làm công tác pháp chế của các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Bí mật số 87 - CYBERSPHERE: Sân chơi 'đậm chất luật' cho sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội

Chương trình “Bí mật số 87 - CYBERSPHERE” là hoạt động thường niên do Liên Chi Đoàn khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức.
(PLVN) - Chương trình “Bí mật số 87 - CYBERSPHERE” là hoạt động thường niên do Liên Chi Đoàn khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức nhằm chào đón tân sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế. Qua hai chặng cạnh tranh khốc liệt, chặng thi thứ ba với chủ đề “Virtual Connections - Thiết kế cờ và chụp ảnh lớp” tạo không khí bùng nổ giữa các chi đoàn, đem đến sự gắn kết giữa các sinh viên...

Thầy cô và các em học sinh nói gì về quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Lớp học nói không với dùng điện thoại tại Trường THPT Đại Mỗ.
(PLVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi Trưởng phòng (GD& ĐT), các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường, tuyệt đối không để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. PV Báo PLVN đã ghi nhận thực tế ở một số trường THPT (công lập, tư thục) cho thấy rõ sự đồng thuận, nhất trí cao giữa nhà trường, các em học sinh và phụ huynh.

Truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt

“Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt” là buổi tọa đàm do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức mới đây.
(PLVN) - Là một người Việt Nam, chúng ta đã bao giờ thắc mắc chữ viết tiếng Việt ra đời như thế nào? Tại sao chúng ta hiện nay lại đang dùng văn tự Latinh, khác hẳn với các nước “đồng văn” xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc? Chúng ta vẫn nói mình dùng chữ Quốc ngữ, vậy chữ Quốc ngữ là gì, ai đã tạo ra nó?Những câu hỏi này vẫn luôn “nóng” với nhiều thế hệ bởi chữ viết chính là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại, của một quốc gia, dân tộc.

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực ngoài chuyên môn

Đừng đặt những áp lực ngoài chuyên môn lên vai thầy, cô giáo, để họ được toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp “trồng người”. (Nguồn: S.T)
(PLVN) - Tại nhiều trường học, các nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn khi ngoài truyền đạt kiến thức còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh, nhà trường và xã hội, thậm chí đôi lúc giáo viên còn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề không liên quan đến giáo dục.

Khi bạo lực học đường lên bàn nghị sự

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất từ góc nhìn trong cuộc sâu sắc, đa chiều về phòng, chống bạo lực học đường…