Reuters dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Đức Jens Schobranski cho biết dự án thử nghiệm nói trên sẽ kéo dài trong 6 tháng.
Thử nghiệm do Cảnh sát liên bang Đức, Văn phòng cảnh sát hình sự liên bang, Bộ Nội vụ và đơn vị quản lý nhà ga Sudkreuz - một trung tâm giao thông chính tại thủ đô Berlin của Đức - phối hợp thực hiện.
Trong ngày đầu tiên tiến hành thử nghiệm, hình ảnh hơn 10 người tình nguyện đã được đưa vào hệ thống theo dõi để xem phần mềm mới có nhận diện được họ trong số những hành khách đi qua nhà ga hay không.
“Chúng tôi muốn thử nghiệm xem công nghệ này thực sự tốt như thế nào”, người phát ngôn Schobranski nói.
Cuộc thử nghiệm nói trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận về cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào tháng tới cho thấy nhiều cử tri đang lo ngại về an ninh sau những cuộc tấn công do những người xin tị nạn gây ra thời gian qua.
Tuy nhiên, hiện cũng có những tranh cãi về việc áp dụng thử nghiệm bởi quyền riêng tư là một đề tài nhạy cảm đối với nhiều người Đức.
Ông Ulrich Schellenberg - Chủ tịch Đoàn Luật sư Đức - nghi ngờ về hiệu quả của công nghệ mới đối với cảnh sát. Bởi theo ông này, những cuộc tấn công gây nhiều thương vong nhất tại Đức hồi năm ngoái do một người nhập cư vốn đã bị an ninh theo dõi nhưng cảnh sát vẫn không thể ngăn chặn được vụ tấn công.
“Cải thiện an ninh không phải là khám phá cái gì mới mẻ mà là theo dõi chặt chẽ hơn những thông tin đã nắm được”, ông Schellenberg nhận định.