Vẫn đổ rác chưa qua xử lý
Điểm tập kết rác Phượng Thành nằm ngay cạnh thôn Đông Xá khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phát sinh nhiều ruồi nhặng. Bầy ruồi đua nhau bay vào nhà dân bất kể thời tiết nắng hay mưa. Từ đó, thôn Đông Xá có tên gọi mới là “xóm ruồi”.
Mặc dù người dân “xóm ruồi” có nhiều kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa thấy một giải pháp rõ rệt giúp người dân thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác. Hàng ngày rác vẫn được đổ về đây. Biện xử pháp xử lý chỉ là san lấp và đốt khiến người dân hàng ngày như bị “bức tử”.
Theo quan sát của phóng viên, rác thải chưa qua xử lý được đưa đến điểm tập kết bằng xe trọng tải lớn. Mỗi xe chở hơn 10 tấn rác, hàng ngày vẫn đổ về đây làm mất đi cảnh quan, ô nhiễm môi trường sống của người dân. Một người dân bức xúc: “Tất cả rác thải đưa về đây không được đổ đúng nơi quy định, làm mất mỹ quan nông thôn, mọi người ở đây chỉ mong cán bộ huyện đi qua đây để biết được hoàn cảnh chúng tôi đang sống “khốn khổ” thế nào... Nhất là khi người ta đốt rác tạo ra khói đen bao trùm cả thôn Đông Xá, qua thời gian người dân bị các bệnh về đường hô hấp do hít phải quá nhiều khói. Bằng chứng là không ít người thôn Đông Xá bị bệnh hen suyễn”.
Ghi nhận thực tế trên tuyến đường đông người qua lại này, rác thải nơi đây phần lớn đổ không đúng nơi quy định, chúng nằm ngổn ngang khắp tuyến đường dù đã có treo biển “cấm đổ rác”. Còn bên trong điểm tập kết rác, hiện đang tồn đọng tới hàng chục tấn rác thải, được chất thành những đống lớn, từ túi nilon, chai nhựa, chai thủy tinh đến rác thải y tế, xác súc vật…
Ông Dương Thanh Hải chia sẻ: “Về mùa mưa, từ bãi rác nằm trên đồi sau nhà chúng tôi có những dòng nước màu đen chảy về thôn Đông Xá, ăn sâu vào các mạch nước ngầm, nước sinh hoạt của người dân và chảy ra đồng. Chính nguồn nước bẩn này làm người dân chúng tôi bị mắc bệnh da liễu, như: Hắc lào, ghẻ lở tay chân, nấm da đầu…”.
Được biết, người dân nơi đây đã làm đơn khiếu nại nhiều lần gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Đức Thọ và các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết, nhưng vẫn chưa có giải pháp phù hợp. Đã hơn chục năm, bãi rác quá tải chỉ được xử lý bằng cách đốt hoặc cào bằng lấp đất.
“Bây giờ chỉ mong các cơ quan chức năng hiểu rõ được cuộc sống khổ cực của nhân dân sống gần bãi rác, để có biện pháp cải tạo lại môi trường giúp cho người dân chúng tôi có cuộc sống ổn định trong lao động sản xuất, an tâm về môi trường sống. Hy vọng thông qua Báo Pháp Luật Việt Nam, có tiếng nói phản ánh lên các cơ quan chức năng sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải để thế hệ tương lai có cuộc sống tốt hơn”- ông Lê Viết Thống, nhà gần bãi rác than thở.
Chỉ tại thiếu nguồn vốn?
Để hiểu rõ vấn đề tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Phượng Thành, phóng viên đã có buổi làm việc với Phòng TNMT huyện Đức Thọ. Tại đây, ông Thái Sơn Vinh (Phó trưởng phòng) cho biết: “Bãi rác Phượng Thành nằm trên địa bàn xã Đức Long và xã Tùng Ảnh, được quy hoạch vào năm 2003, đến năm 2007 thì được quy hoạch mở rộng với diện tích 5,2ha, bãi rác được UBND huyện giao cho Hợp tác xã dịch vụ môi trường thị trấn làm quản lý”.
Khi đề cập việc đổ rác thải ra môi trường và giải quyết bằng cách nào? Ông Vinh thừa nhận: “Chúng tôi đã dùng các phương pháp san lấp, hoặc đốt đi là sai. Nhưng sắp tới để giải quyết và khắc phục tình trạng ô nhiễm, UBND huyện đã lập đề án xây dựng lò đốt rác mini và được UBND tỉnh chấp thuận với số tiền từ 2-5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách huyện đang gặp nhiều khó khăn để mua máy về lắp đặt. Ngoài ra, việc lắp đặt lò đốt rác mini còn phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra thông số kỹ thuật đạt chuẩn thì mới cho phép xây dựng”.
Ông Đặng Giang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện có ý kiến rằng: “Ngân sách của huyện đang còn khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng lò đốt rác giúp người dân thoát khỏi tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây ra vào thời gian sớm nhất có thể, cũng mong muốn UBND tỉnh sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn để chúng tôi xây dựng lò xử lý rác”.