Từ việc “Đưa tòa soạn đến giảng đường”
Báo chí là một ngành có nhiều tính đặc thù, trong đó yêu cầu quan trọng là phải gắn với thực tiễn đời sống sôi động. Đào tạo báo chí vì thế cũng không thể chỉ thuần túy lý thuyết, kinh viện, mà phải thấm đẫm hơi thở của các tòa soạn, của cuộc sống phong phú, sôi động.
Tuy nhiên, khuôn khổ các chương trình đào tạo báo chí thường bị gò bó về thời lượng, về không gian giảng đường, không dễ dàng giúp các khóa học gồm hàng trăm sinh viên bứt phá và có khả năng thích ứng với nghề ngay khi mới vào trường, dù lúc đó là tinh thần hăng hái khám phá của sinh viên rất cao. Trong những năm học đầu tiên, khi còn chưa có nhiều trải nghiệm, va chạm thực tế đời sống, sinh viên cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để từng bước tự tin thử sức.
Lúc này, ngoài các giảng viên cơ hữu, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hoặc nhà báo, chuyên gia từ các tòa soạn sẽ đến trực tiếp giảng giải, hướng dẫn và giúp sinh viên thực hành. Lớp học sẽ được tổ chức như một tòa soạn thu nhỏ, trong đó chia thành các ban chuyên môn riêng.
Sản phẩm của sinh viên từ chỗ là bài tập mô phỏng những tờ tạp chí, trang báo, số báo, chương trình phát thanh, truyền hình…, trong đó sinh viên tự sản xuất nội dung, quay phim, chụp ảnh, biên tập, dàn trang, in ấn, phát sóng… để chấm điểm và lưu hành nội bộ, dần đạt chất lượng để được tổ chức thành trang báo cho một báo, đài thực sự.
Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông đã duy trì, phát huy sáng kiến là mời các nhà báo giỏi, tâm huyết với nghề, nhiều kinh nghiệm thực tế đến giảng bài, hướng dẫn sinh viên thực hành, làm khóa luận, luận văn...
Liên tục nhiều năm qua, nhiều nhà báo của Báo PLVN đã đóng góp công sức thường xuyên, liên tục, bền bỉ trong việc đào tạo, dẫn dắt, cầm tay chỉ việc để giúp đỡ rất nhiều khóa sinh viên tự tin bước vào nghề, thắp lên ngọn lửa đam mê nghề báo. Đó là những giờ học vừa nghiêm túc qua các mô hình lý thuyết, vừa thấm đẫm hơi thở cuộc sống qua các ví dụ, các bài tập trải nghiệm.
Chúng tôi rất ấn tượng và ghi nhận niềm vui vỡ òa trong ánh mắt học trò khi cứ mỗi thứ Năm hàng tuần trước đây lại có hai trang báo in đăng trên tờ PLVN sau các chuyến đi thực tế do chính thầy giáo, ThS, NCS. Nhà báo Trần Ngọc Hà, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội trực tiếp hướng dẫn.
Để có các trang báo đó, thầy trò đã phải miệt mài sáng tạo, thiết kế nội dung, chia nhóm triển khai tìm tài liệu ngay trên giảng đường, đi thực tế lấy thông tin và chụp ảnh, rồi quay lại giảng đường chữa từng ý, từng chữ… để hoàn thiện sản phẩm là các tin, bài, ảnh sẵn sàng lên trang.
Giảng đường sôi động và đầy ắp không khí làm việc hăng say như một tòa soạn đích thực. Sinh viên làm quen với các thuật ngữ trong công việc tòa soạn, biết cách phối hợp với nhau để làm thành một sản phẩm hoàn chỉnh và hân hoan, náo nức chờ đón nó. Thầy giáo gần gũi như một người anh tận tình chỉ bảo từng chút cho các đàn em. Đưa tòa soạn đến giảng đường chính là những việc như thế.
Không bục giảng, không áp lực điểm danh, kiểm tra lý thuyết như các lớp học thông thường, sinh viên chủ động trực tiếp sản xuất tin, bài để đăng tải trên các loại hình báo chí khác nhau của cơ quan báo chí như một phóng viên thực thụ.
Mô hình “Đưa giảng đường đến tòa soạn” là phương pháp đào tạo báo chí theo hướng thực nghiệp, thực hành, cho phép sinh viên các năm cuối được “nhúng” trực tiếp vào môi trường chuyên nghiệp. Học xong, ngoài điểm số và rất nhiều lợi ích khác, sinh viên còn chia sẻ niềm vui rất thiết thực là được nhận tiền nhuận bút.
Tới “Đưa giảng đường đến tòa soạn”
Khi đã chững chạc hơn và làm chủ được quá trình sản xuất những sản phẩm truyền thông tại lớp học, sinh viên cần được đưa đến các tòa soạn để học việc một cách trực tiếp trong môi trường thực nghiệp. “Đưa giảng đường đến tòa soạn” là mô hình ra đời từ những suy nghĩ, trăn trở ấy của những người làm đào tạo.
Mô hình này được khởi xướng từ năm 2016. Ngay trong mùa đầu tiên, chỉ trong 4 tuần học tại Tòa soạn Báo PLVN, 35 sinh viên của Viện đã thực hiện được hơn 80 tin, bài, video để đăng tải trên tất cả mọi loại hình báo chí của Báo PLVN.
Trong những năm qua, Báo PLVN đã phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV tổ chức nhiều lớp đào tạo nhằm nâng cao trình độ cho các phóng viên của Báo. |
Ngoài những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy trước đó, công việc thực tế hàng ngày của tòa soạn giúp sinh viên có cơ hội cọ xát và học hỏi nhiều hơn về tất cả các nội dung theo chuẩn đầu ra của môn học.
Báo PLVN là cơ quan báo chí hội tụ đa loại hình vào bậc hiện đại, năng động nhất hiện nay. Học việc tại đây, sinh viên có cơ hội tham gia sản xuất nội dung từ báo in, báo mạng điện tử đến phát thanh và truyền hình.
Với đội ngũ nhân sự vững vàng về chuyên môn và tư tưởng cùng sự trách nhiệm và nhiệt tình, báo đã giúp sinh viên có cơ hội tự trải nghiệm sản xuất tin bài theo quy trình chuyên nghiệp. Chính điều này đã tạo điều kiện để sinh viên thỏa sức sáng tạo tìm kiếm, triển khai đề tài và trải nghiệm thực tế để có những tin, bài phóng sự chân thực và chất lượng.
Một trong những kĩ năng quan trọng của phóng viên là tạo mối quan hệ. Tại mô hình này, sinh viên có cơ hội tiếp xúc, tạo dựng mối quan hệ với phóng viên, biên tập viên của một cơ quan báo chí. Sinh viên luôn có bên cạnh mình các anh chị đi trước để học hỏi và giải đáp bất cứ thắc mắc nào về nghề nghiệp một cách cởi mở, chân thành nhất.
Tình cảm đồng nghiệp, đồng môn, tiền bối – hậu bối… đã nhanh chóng giúp xóa nhòa sự cách biệt, bỡ ngỡ của sinh viên ngay từ buổi đầu tiên tập trung tìm hiểu công việc tổng thể của tòa soạn. Những mối quan hệ nghề nghiệp này không chỉ giúp hoàn thành mục tiêu môn học, mà còn có ích trong việc trao đổi nguồn tin, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên mãi về sau.
Khi thử nghiệm mô hình “Đưa giảng đường đến tòa soạn” năm 2016, nếu không có sự nhiệt tình hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan đối tác là Báo PLVN và sự nỗ lực của chính bản thân các sinh viên thì không thể có được kết quả ấy. Xem các tác phẩm của các em báo cáo khi hết môn, chúng tôi cảm nhận được phía sau đó là lửa đam mê, dấn thân với nghề.
Các phóng sự dạng text, ảnh, video… đã phủ một vùng đề tài rộng lớn từ các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, đến những thứ rất gần gũi hàng ngày chúng tôi vẫn bắt gặp trong sân trường. Đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp, giúp sinh viên trải nghiệm nghề từ rất sớm với việc thật, người thật là điều hoàn toàn có thể làm được tốt. Kể từ sau đó, mô hình này đã được tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cho đến tận hôm nay.
Nhiều mô hình hợp tác hiệu quả với Báo PLVN:
Nhiều năm qua, Báo PLVN đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy giúp đỡ nhà trường.
Một câu lạc bộ chuyên làm phóng sự mang tên Bút Trẻ mà nòng cốt là sinh viên của Viện đặt tại Tòa soạn Báo PLVN đã ra đời từ năm 2015 và liên tục đạt nhiều giải thưởng báo chí lớn, trong đó có giải báo chí quốc gia. Đến nay Câu lạc bộ vẫn được duy trì, phát triển và thu hút đông đảo sinh viên. Câu lạc bộ đã góp phần đào tạo, truyền cảm hứng nghề nghiệp cho hàng trăm sinh viên trở thành những phóng viên chính của nhiều cơ quan báo chí.
Viện cũng phối hợp với Báo PLVN đào tạo nâng cao năng lực cho các phóng viên trẻ của Báo. Qua các khóa đào tạo này, nhiều phóng viên đã được cập nhật, hệ thống hóa những kiến thức, kỹ năng mới trong thực hành nghề báo và tự tin hơn, làm việc hiệu quả hơn.