Thực tế “đảng viên đi đầu, người dân tiếp bước” là giải pháp quan trọng quyết định sự thành công, nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Song, việc áp dụng giải pháp này như thế nào để xây dựng và thực hiện thành công nghị quyết ở các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là chi bộ nông nghiệp, còn một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có việc phát huy tốt vai trò của cấp ủy.
Nghị quyết mang hơi thở cuộc sống
Nhiệm vụ của mỗi đảng viên là góp viên gạch nền xây dựng nghị quyết và tổ chức đưa vào cuộc sống. Đây là nhân tố quan trọng làm nên giá trị thực tiễn của nghị quyết. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, nơi đó nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ở những nơi này, ngay cả bức xúc của người dân cũng được cấp ủy nhìn nhận là kênh thông tin, quan tâm nắm bắt, xem xét, chọn lọc nội dung có thể giải quyết ngay, vấn đề nào cần khảo sát kỹ lưỡng để đưa vào nghị quyết phù hợp với hướng giải quyết triệt để. Đây là thực tế diễn ra trong hoạt động của chi bộ thôn Văn Cao, xã Hữu Bằng (Kiến Thụy). Cách đây 15 năm, chi bộ thôn Văn Cao có 10 đảng viên, tất cả trong diện hưởng lương hưu, vì thế hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn, thường bị động. Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Tọa cùng các đảng viên đổi mới hoạt động của chi bộ bằng việc xây dựng nghị quyết sát với thực tế địa phương, hướng tới vấn đề có ý nghĩa quyết định mà đảng viên và người dân quan tâm. Ví dụ, những nghị quyết về xây dựng cánh đồng thu nhập cao; chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản vận động nhân dân cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường…Đề nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, chi bộ giao nhiệm vụ cụ thể từng đảng viên; lập bảng theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên, thông báo tại các cuộc họp sinh hoạt Đảng hằng tháng. Với cách làm này, tình hình, kết quả triển khai nghị quyết chuyển biến tích cực, góp phần đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, xã Chiến Thắng ngày càng phát triển, đổi mới diện mạo làng quê, sạch đẹp. |
Thực tế ở xã Chiến Thắng (An Lão) cho thấy, sau giờ làm việc, cán bộ, đảng viên công tác tại UBND, trụ sở Đảng ủy xã đều sắp xếp thời gian ra đồng, trồng cây, nuôi cá như những nông dân thực thụ. Để phát triển kinh tế theo hướng phục vụ đô thị, bên cạnh những giải pháp về tuyên truyền, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm thị trường hay làm dịch vụ nông nghiệp, Đảng ủy xã quy định, khối cán bộ uỷ ban, thôn, xóm, mỗi người đều có mô hình phát triển kinh tế cho giá trị thu nhập cao. Từ thực tế ở địa phương, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về khai thác đất vườn, ao, đầm, bãi, mở hướng trồng cây cảnh. Những đảng viên có khả năng về trồng cây cảnh được, tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm ở những vùng chuyên canh cây cảnh tại
Ngược lại, ở không ít tổ chức, cơ sở Đảng, hoạt động của chi ủy thiếu linh hoạt hoặc ít đảng viên trực tiếp tham gia sản xuất (số đông đảng viên của chi bộ là người cao tuổi), việc triển khai nghị quyết rất khó khăn. Bí thư chi bộ thôn Bằng Viên, xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) cho biết, chi bộ có 19 đảng viên thì 3 người thuộc diễn miễn sinh hoạt, 13 hưu trí. Còn phần lớn đảng viên cao tuổi không tham gia sản xuất nông nghiệp. Đảng viên chi bộ thôn Cẩm La, xã Thanh Sơn (Kiến Thụy) thừa nhận nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu giống lúa phù hợp với đồng đất, giảm sâu bệnh, nhưng chậm vào cuộc sống, bởi số đảng viên trực tiếp sản xuất nông nghiệp ít, chi bộ lãnh đạo việc triển khai nghị quyết chưa thực sự hiệu quả. Còn bí thư chi bộ thôn Quần Mục 3, xã Đại Hợp (Kiến Thụy) Ngô Quang Toàn băn khoăn: “Năm 2009, chi bộ xây dựng 4 nghị quyết, 50% số nghị quyết đó thực hiện không mấy thành công. Hiện 80% số hộ dân trong thôn làm nghề cá nhưng chưa có đảng viên. Năm nào chi bộ cũng có nghị quyết về phát triển đảng viên trong khu vực này mà chưa có kết quả, từ năm 2008 đến nay, chưa kết nạp được đảng viên nào. Do vậy, dù chi bộ hằng năm vẫn xây dựng nghị quyết phối hợp với ban nhân dân thôn và các đoàn thể vận động phát triển nghề cá địa phương nhưng rất khó triển khai, vì không có đảng viên làm nòng cốt.
Phân công nhiệm vụ triển khai nghị quyết tới từng đảng viên. Bí thư chi bộ thôn Thọ Linh, xã Minh Tân (Kiến Thụy) vui vẻ giới thiệu: “Trên cánh đồng này, người dân đã quen với việc chỉ cấy 1 giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. Khác hẳn trước đây, ở thôn Thọ Linh, bà con mạnh ai, nấy làm, dẫn đến tình trạng cây lúa chỗ cao, chỗ thấp, vạt còn xanh, thửa đã chín vàng. Trước thực trạng này, chi bộ ra nghị quyết về đổi mới cơ cấu giống lúa, chỉ đạo gieo cấy lúa tập trung. Trên cơ sở rà soát thực tế địa phương kết hợp với học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, bí thư chi bộ và các đồng chí trong cấp uỷ bàn, dự thảo nội dung nghị quyết. Sau đó, đưa ra cuộc họp chi bộ, lấy ý kiến đóng góp của đảng viên. Khi triển khai nghị quyết, chi bộ phân công nhiệm vụ từng đảng viên, mỗi người chịu trách nhiệm tuyên truyền vận động thực hiện nghị quyết 10-15 hộ sản xuất. Hằng tuần, hằng tháng, chi bộ nghe các đảng viên báo cáo về tiến độ thực hiện, cùng bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và vào cuộc, phối hợp với cấp chính quyền chỉ đạo sản xuất. Bằng cách này, ngoài các nghị quyết định kỳ hằng tháng, mỗi năm chi bộ thôn Thọ Linh triển khai thành công 5-6 nghị quyết chuyên đề”.
Đổi mới trong việc tổ chức thực hiện. Nhiệm kỳ qua, chi bộ thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) xây dựng 6 nghị quyết chuyên đề và đều được triển khai thực hiện hiệu quả nhờ đổi mới trong việc tổ chức thực hiện. Bí thư chi bộ thôn Xuân Chiếng Lã Đức Luy chia sẻ: để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, căn cứ xây dựng nghị quyết cần xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương, mong muốn của người dân, sự thống nhất cao trong cấp ủy và nhất là nội dung, tinh thần của nghị quyết được quán triệt sâu rộng trong hội viên các đoàn thể. Không khí dân chủ tại các cuộc họp sinh hoạt đảng ở chi bộ rất quan trọng, vì vậy cần chọn nội dung, vấn đề đưa chương trình cuộc họp để thảo luận. Ở chi bộ thôn Xuân Chiếng, bình quân mỗi cuộc họp có 16-17 ý kiến phát biểu.
Giải pháp có tính khả thi cao, không chung chung. Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong (Kiến Thụy) Bùi Đức Dụng cho rằng, để nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng là mỗi tổ chức cơ sở Đảng tùy tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể xây dựng kế hoạch sát thực tế. Trong triển khai, quán triệt nghị quyết, bên cạnh các chỉ tiêu, mục tiêu và yêu cầu đề ra, cần đề xuất những giải pháp khả thi để tổ chức thực hiện. Trên thực tế, không ít tổ chức, cơ sở Đảng chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng nghị quyết, vẫn ỷ lại vào Đảng bộ cấp trên. Nghị quyết của chi bộ chỉ là các bước triển khai nghị quyết của cấp trên, thậm chí có nơi xây dựng nghị quyết cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ cấp trên để lưu hồ sơ cho đẹp. Trong khi nghị quyết có sát với thực tế cuộc sống, người dân mới quan tâm. Vì vậy, chi bộ, Đảng bộ phải chủ động trong chọn vấn đề và có cách thực hiện sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương.
Bí thư chi bộ thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) cho rằng, quan hệ “dây mơ rễ má” giữa các đảng viên trong chi bộ ít nhiều ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng, nhất là công tác phê bình và tự phê bình. Mấy thế hệ họ hàng cùng sinh hoạt trong một chi bộ thì dù là đồng chí nhưng con làm sao dám mạnh dạn, thẳng thắn phê bình bố, cháu cũng ngại góp ý kiến với ông. Chính vì vậy, có những nghị quyết chi bộ ban hành khó triển khai bởi tính khả thi không cao nhưng đảng viên trẻ không dám có ý kiến gì, vì ngại nói ngược với ý kiến của các đảng viên bậc cha chú. Điều này khiến chi bộ khó đổi mới hoạt động, trong đó có việc xây dựng nghị quyết. Tương tự, chi bộ thôn Tân An (xã An Thắng, An Lão) nhiều năm qua cũng gặp khó khăn trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Chi bộ chỉ có 5 đảng viên, nhưng 2 nhiệm kỳ liên tiếp không phát triển thêm đảng viên nào. Nguyên nhân chậm trễ trong công tác kết nạp đảng viên mới của chi bộ là do tư tưởng cục bộ, dòng họ. Cấp ủy chỉ tạo điều kiện kết nạp những con em, người quen trong dòng họ, gia đình, quần chúng ngoài dòng họ gần như không có cơ hội được chi bộ quan tâm. Từ tình trạng cục bộ này, phần lớn các nghị quyết của chi bộ không đến được với đông đảo nhân dân, khó triển khai. Bí thư chi bộ thôn Nam Hải (xã Đoàn Xá, Kiến Thụy) Nguyễn Ngọc Kêy phản ánh những khó khăn trong việc đưa nghị quyết của chi bộ đến đông đảo người dân ở Nam Hải. Hiện ở thôn có hơn 50% số nữ thanh niên lấy chồng nước ngoài và khá đông thanh niên không chịu tìm việc làm ổn định mà chỉ ngồi nhà chờ viện trợ từ nước ngoài gửi về. Bên cạnh đó, hàng loạt tác động của mặt trái cơ chế thị trường cùng với tệ nạn xã hội len lỏi về nông thôn làm cho không ít người nhận thức không đúng về động cơ phấn đấu trở thành đảng viên, hoặc không muốn tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội... Vì vậy, hoạt động của đảng viên ở Nam Hải dường như đơn độc và sức lan tỏa hạn chế… Điều đáng quan tâm là ở những nơi này, chi bộ thường ra nghị quyết cho có việc, nội dung na ná như nghị quyết, chủ trương, chỉ thị của cấp trên.
Giải pháp phù hợp đối với những tổ chức cơ sở Đảng trên, theo nhiều cán bộ làm công tác Đảng có kinh nghiệm, là cần xây dựng nghị quyết một cách bài bản. Trước hết, khảo sát kỹ thực tế địa phương, chọn vấn đề và cụ thể hóa tinh thần, yêu cầu nghị quyết cấp trên sát với thực tế đơn vị và dự thảo nội dung nghị quyết. Tiếp đó, lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực, nhân dân về chọn vấn đề ban hành nghị quyết, đề xuất biện pháp thực hiện. Quán triệt sâu rộng và tổ chức tốt việc đưa nghị quyết vào cuộc sống.
(Còn tiếp)
Mai Yên