Đưa hợp tác quốc phòng – an ninh thành một trụ cột của quan hệ Việt Nam – Campuchia

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An. Ảnh: VGP
(PLVN) - Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh, đưa hợp tác trong lĩnh vực này trở thành một trong những trụ cột của quan hệ hai nước; giữ vững nguyên tắc không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này gây phương hại đến an ninh, ổn định của nước kia. 

Theo Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của bà Men San An - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có chuyến thăm và làm việc Campuchia từ ngày 12 đến 13/12. Chiều 12/12, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Men San An.

Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Men San An nhấn mạnh truyền thống đoàn kết, hữu nghị, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau được xây đắp bằng công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam - Campuchia đã vượt qua mọi thử thách và trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy. 

Phó Thủ tướng Men San An khẳng định nhân dân Campuchia không bao giờ quên sự giúp đỡ, hỗ trợ chí tình, hiệu quả của Việt Nam cho Campuchia trong quá khứ và hiện tại, đặc biệt là sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. 

Hai Phó Thủ tướng nhất trí không ngừng củng cố và đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; duy trì trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cấp bộ, ban, ngành; tăng cường gặp gỡ giao lưu đoàn thể, địa phương, tạo thêm sự gần gũi và gắn bó, qua đó kịp thời phối hợp giải quyết các vướng mắc, đồng thời cùng nhau đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc.

Hai bên đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của việc ký kết hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền đã đạt được giữa hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng về biên giới, tiến tới xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Hai bên khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, duy trì các cơ chế hợp tác hai nước, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, nhất là giao thương biên mậu; xem xét bổ sung hoặc ký mới các thỏa thuận, hiệp định phù hợp với tình hình mới nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai bên; nỗ lực phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều vượt mức 5 tỷ USD trong năm 2020. 

Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gia tăng biên mậu; hợp tác thanh tra, phòng chống tham nhũng. 

Hai Phó Thủ tướng khẳng định tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh, đưa hợp tác trong lĩnh vực này trở thành một trong những trụ cột của quan hệ hai nước; giữ vững nguyên tắc không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này gây phương hại đến an ninh, ổn định của nước kia. 

Về hợp tác tôn giáo, dân tộc, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của thế lực xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc nhằm chống phá quan hệ hai nước; thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo, dân tộc; làm phong phú thêm hình thức giao lưu văn hóa giữa hai nước.   

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quan hệ trên tinh thần tin cậy, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau; tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia sinh sống ổn định, bảo đảm địa vị pháp lý, tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia và trở thành cầu nối hữu nghị cho quan hệ hai nước.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như lập trường chung của ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 35, mong muốn Campuchia tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN. 

Hai bên sẽ tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tổ chức các sự kiện và hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Campuchia tổ chức Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 13. Phó Thủ tướng Men San An ghi nhận các ý kiến của Việt Nam và cam kết sẽ hỗ trợ trong khả năng của Campuchia.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.