Sau nhiều Phiên chợ hàng Việt được tổ chức tương đối thành công tại Đà Nẵng, doanh nghiệp tham gia bước đầu tỏ ra khá tin tưởng với thị trường nông thôn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn chinh phục thị trường nông thôn, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh hơn cho mạng lưới bán lẻ của mình.
Muốn xây dựng thương hiệu, DN cần có chiến lược đầu tư lâu dài. |
Tại nơi những Phiên chợ hàng Việt diễn ra đều nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp. Lâu nay, các khách hàng vùng ven ít có điều kiện đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nên hầu hết dùng các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu, thậm chí là hàng không có nguồn gốc xuất xứ từ các đại lý địa phương.
Từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị phát động đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Không chỉ những doanh nghiệp mới, vừa và nhỏ bắt đầu len lỏi vào thị trường nông thôn, ngay cả những “đại gia” trong lĩnh vực bán lẻ như Tập đoàn Unilever, BigC cũng tham gia khá tích cực. Theo Sở Công thương thành phố, qua 4 phiên chợ hàng Việt (KCN Hòa Khánh, Thọ Quang, Hòa Hải, Hòa Vang), các doanh nghiệp đã đạt doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó cao nhất là phiên chợ tại Hòa Hải với doanh thu 500 triệu đồng. Điều đó cho thấy, tiềm năng của thị trường nông thôn là rất lớn. Song, với nhiều doanh nghiệp, đưa hàng Việt về nông thôn là một thách thức lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp tiềm lực chưa thực sự mạnh.
Đại diện một nhãn hàng sữa có văn phòng đại diện tại Đà Nẵng (không tiện nêu tên) thổ lộ: “Mỗi phiên chợ như thế này, chúng tôi chỉ có lỗ chứ đừng nói đến chuyện lời. Hưởng ứng chủ trương lớn thì chúng tôi làm thôi, chứ nếu trông chờ vào lợi nhuận từ các phiên chợ thì khó lắm. Muốn “đánh” trúng tâm lý tiêu dùng của người dân phải có thời gian tìm hiểu, nhưng phiên chợ thì diễn ra vài ngày rồi kết thúc, nhiều người dân chưa kịp mua hàng đã phải tiếc hùi hụi “sao rút nhanh thế!”.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ cho biết: “Gần 6 năm xây dựng thương hiệu, BQ đã có một thị trường tương đối rộng lớn không chỉ ở Đà Nẵng mà cả ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Khi mang sản phẩm của mình về thị trường nông thôn, chúng tôi xác định sản phẩm dành cho đối tượng này để phục vụ tốt hơn. Nhưng nói thật, nếu một đôi giày bán tại thành phố, chúng tôi có lời hơn nhiều so với đôi giày mang về vùng quê. Đưa hàng về quê, doanh nghiệp phải bỏ chi phí ra gấp nhiều lần vì phải thông qua nhiều cấp, điều đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi đó, túi tiền người dân ở khu vực này lại hạn hẹp, khó có thể chấp nhận với giá như ở thành phố. Chính điều này gây cản trở không ít đối với doanh nghiệp khi muốn đưa hàng hóa về nông thôn”.
Có mặt tại Phiên chợ hàng Việt tại KCN Hòa Khánh mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận định: Tiềm năng thị trường nông thôn là rất lớn, vì hiện nay có tới hơn 70% dân số sống ở khu vực này, trong khi đó kênh phân phối hàng Việt tại nông thôn chiếm chưa tới 40% (trong tổng số dân vùng nông thôn dùng hàng Việt). Chính vì doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn bị lỗ cho nên ít có nhà sản xuất, phân phối nào chịu khó đi xa.
Mặc dù đã nhìn thấy tiềm năng lâu dài nhưng thị trường nông thôn vẫn bị bỏ trống. Chúng tôi vẫn thường nói với doanh nghiệp hãy đừng vì lợi nhuận trước mắt, cũng đừng hy vọng xây dựng được hình ảnh ngay tức thì, mà cần có chiến lược lâu dài và kiên nhẫn để người tiêu dùng biết mình là ai. Muốn vậy, phải xây dựng mạng lưới bán lẻ vững chắc, những đại lý này chính là những mắt xích tốt nhất cho nhà sản xuất và kinh doanh nội địa.
Bài và ảnh: Duyên Anh