Tháng 10-2010, chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi của Việt Nam giành được giải thưởng Ashden, một giải thưởng quốc tế danh giá về năng lượng bền vững. Trước đó, năm 2006, chương trình khí sinh học đã được LHQ và một số tổ chức năng lượng hàng đầu châu Âu trao giải vàng năng lượng toàn cầu. Các giải thưởng danh giá này là phần thưởng xứng đáng mà chương trình đóng góp cho việc cải thiện, nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường nông thôn.
Không bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi
Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi được triển khai tại Hải Phòng từ năm 2005 thông qua Văn phòng dự án khí sinh học thuộc Trung tâm khuyến nông Hải Phòng. Bằng việc hỗ trợ nông dân khoảng 1/5 giá trị xây dựng công trình khí sinh học quy mô gia đình, chương trình thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Đến nay, toàn thành phố có 2025 công trình xây dựng theo dự án hỗ trợ. Bước đầu, dự án chương trình khí sinh học trong chăn nuôi nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn nhờ nguồn năng lượng sạch và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Nông dân tham quan một công trình khí sinh học tại xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Hoàng Phước |
Anh Trần Văn Biên ở thôn Chợ Cầu, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Gia đình tôi nuôi 1200 con lợn thịt. Trước đây, chưa có công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Lượng chất thải hằng ngày của lợn đều phải đưa ra ao hồ gây ô nhiễm nặng, các hộ dân chung quanh có đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng, gây rất nhiều khó khăn cho công việc sản xuất của trang trại. Năm 2007, tôi đăng ký với văn phòng dự án khí sinh học tại Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng triển khai xây dựng 4 công trình khí sinh học cỡ 30 m3 (tổng quy mô là 120 m3) để xử lý chất thải chăn nuôi. Ngoài việc xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm môi trường chung quanh khu trang trại, các công trình này còn cung cấp lượng khí gas sinh học lớn để đun nấu, thắp sáng. Năm 2008, được sự hỗ trợ của thành phố thông qua mô hình của trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng, tôi đầu tư 40 triệu đồng mua máy phát điện 20 KW chạy bằng khí sinh học. Nhờ vậy, trang trại của tôi chủ động được nguồn điện phục vụ sản xuất, không phải chịu cảnh mất điện triền miên làm lợn chết hàng loạt như trước đây. Trung bình mỗi tháng, trang trại của tôi tiết kiệm từ 3 đến 4,5 triệu đồng tiền điện. So với thời điểm phải sử dụng máy chạy dầu do cắt điện luân phiên, có tháng gia đình tôi tiết kiệm 10-15 triệu đồng tiền nguyên liệu”.
Theo anh Vũ Văn Vĩ, cán bộ Văn phòng dự án khí sinh học, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt, công trình khí sinh học góp phần giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở các vùng nông thôn là tình trạng ô nhiễm môi trường. Hầm khí sinh học còn nâng cao sức khoẻ cho người dân thông qua việc giảm mùi hôi, ô nhiễm không khí trong nhà, cải tạo nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi… Tại Hải Phòng, 100% số hộ xây dựng công trình sử dụng khí để đun nấu, 21,5% công trình sử dụng khí để thắp sáng, 9 công trình sử dụng khí chạy máy phát điện công suất 2.5 – 15 kw, 16 công trình sử dụng khí cho bình đun nước nóng; 87,4% công trình sử dụng bã thải làm phân bón cho cây trồng; 36,5% sử dụng bã thải để nuôi cá; 43% xây thêm bể tích trữ bã thải lỏng để chế biến phân hữu cơ… Với chi phí đầu tư trung bình 8-10 triệu đồng/ công trình quy mô gia đình, nhưng chỉ sau khoảng 2 năm, nông dân đã hòa số tiền bỏ ra đầu tư ban đầu. Sau đó họ được hưởng lợi vĩnh viễn từ việc tiết kiệm được chi phí nhiên liệu, nấu ăn bằng bếp gas đốt từ nhiên liệu khí sinh học nhanh, sạch hơn rất nhiều so với nấu ăn bằng bếp củi, tiết kiệm được thời gian nấu và cọ rửa, lại tiết kiệm được một phần chi phí phân bón cho cây trồng... Điều quan trọng hơn cả, là cộng đồng dân cư nông thôn được hưởng lợi từ môi trường không bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi.
Nỗ lực vì nền chăn nuôi phát triển bền vững
Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng cho biết, để chương trình khí sinh học đến được với nhiều hộ nông dân, giúp bà con cải thiện đời sống, phát triển chăn nuôi bền vững, thành phố đang triển khai đồng thời 2 dự án hỗ trợ nông dân. Một là dự án SNV hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan, hai là dự án QSEAP do nguồn vốn của ADB tài trợ. Với việc triển khai đồng thời 2 dự án này, số lượng hộ nông dân được hưởng lợi từ chương trình khí sinh học tăng thêm. Đặc biệt hết năm 2010, dự án SNV của Hà Lan hết thời gian thực hiện thì đã có dự án QSEAP gối vào thực hiện đến năm 2015. Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế lớn nhất của chương trình khí sinh học theo dự án hiện nay là công suất các công trình khí sinh học của dự án chỉ phù hợp với quy mô nhỏ và chăn nuôi hộ gia đình, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng mạnh dạn đề xuất với thành phố có cơ chế hỗ trợ xây dựng các công trình quy mô lớn, giải quyết khó khăn cho chăn nuôi quy mô công nghiệp và trang trại. Mức hỗ trợ là khoảng 30% kinh phí xây dựng/ công trình gắn với quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo Nghị quyết 10 HĐND thành phố.
Từ thực hiện đồng thời 3 chương trình hỗ trợ trên, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.970 công trình cỡ nhỏ thuộc dự án SNV, 50 công trình cỡ nhỏ thuộc dự án ADB (QSEAP), 3 công trình cỡ 200m3 do chương trình Khuyến nông chuyển giao kỹ thuật tại 3 trang trại của các ông Lê Văn Vịnh, Phạm Hồng Lĩnh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo và hộ ông Nguyễn Văn Học, xã Tiên Minh huyện Tiên Lãng. 2 công trình cỡ 1.000m3 phủ bạt HDPE tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo và xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên. Cùng với số lượng công trình bà con nông dân tự đầu tư, hiện toàn thành phố có hơn 4000 công trình khí sinh học. Có thể nói, bằng nỗ lực không ngừng và cách làm sáng tạo, Hải Phòng đang từng bước xây dựng thành công mục tiêu thiết lập một ngành khí sinh học phát triển bền vững.
Hoàng Yên