Án lệ ở Việt Nam tuy đã từng bước đi vào thực tiễn nhưng số án lệ được công bố chưa nhiều và việc áp dụng cũng chưa phổ biến, đòi hỏi phải có giải pháp phát triển án lệ nhằm hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của các bên liên quan trong các vụ việc.
1/10 án lệ đã được áp dụng
Thực tế ở nước ta cho thấy, trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng rồi dẫn đến phát sinh tranh chấp khá phổ biến.
Đây chính là cơ sở để Hội đồng Thẩm phán TANDTC chọn Quyết định giám đốc thẩm về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại TP Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Tý - ông Tiến với bị đơn là ông Ngự cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và thông qua trở thành án lệ số 4/2016/AL.
Theo án lệ này, việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra từ năm 1996, sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý.
Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Mặt khác, sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26/4/1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà.
Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng bà không biết ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý là không có căn cứ”. Nhiều địa phương cho rằng án lệ số 04 này là cơ sở rất quan trọng để viện dẫn áp dụng trong nhiều vụ án tương tự và hiện đã có tòa án tại Quảng Ngãi áp dụng án lệ số 04 vào xét xử.
Ngoài án lệ số 04, cho đến thời điểm hiện tại, Chánh án TANDTC đã ban hành được 9 án lệ khác để các tòa án nghiên cứu, viện dẫn trong xét xử kể từ ngày 1/12/2016. Mặc dù số lượng các án lệ được ban hành còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện được quyết tâm của Chánh án TANDTC, các thẩm phán TANDTC; được nhìn nhận là dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp, góp phần minh bạch hóa các bản án, quyết định của tòa án, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Còn một số hạn chế phải khắc phục
Tuy nhiên, bước đầu áp dụng cũng cho thấy các thẩm phán còn khá lúng túng trong việc viện dẫn, lập luận vào bản án mà họ xét xử và TANDTC cũng đã có công văn hướng dẫn về vấn đề này. Một thực tế nữa là đa số các bản án, quyết định của tòa án còn tập trung vào những nội dung mang tính sự vụ, lập luận của thẩm phán về đường lối giải quyết vụ việc còn thiếu những nội dung mang tính khái quát cao nên khó có thể lựa chọn được nhiều án lệ có chất lượng tốt.
Để khắc phục được tình trạng trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) Ngô Văn Nhạc cho biết, phải tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác xây dựng và phát triển án lệ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về án lệ và tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước về án lệ để học tập những mặt tích cực, đáp ứng thực tiễn và truyền thống pháp lý của Việt Nam.
Đặc biệt, theo ông Nhạc, cần nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án tạo nguồn phát triển án lệ, bảo đảm những lập luận, phán quyết của tòa án trong bản án, quyết định được ban hành có giá trị vận dụng để giải quyết những vụ việc tương tự khác.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, thực tế cuộc sống đã chứng minh sự cần thiết của án lệ. Tuy nhiên, các án lệ hiện nay mới chỉ giải thích những quy định không rõ ràng, chứ không giải thích những trường hợp không có quy định pháp luật.
Ví dụ như về di chúc, nếu những người thừa kế không thống nhất với di chúc có quyền yêu cầu tòa án giải thích, hay một loạt chi phí hợp lý, thời hạn hợp lý, theo giá thị trường, theo lãi suất… sau này sẽ được tòa án giải thích thực tế. Hay với án lệ số 4 đã được ban hành, áp dụng thì đây là trường hợp mà pháp luật quy định rất rõ ràng nhưng trong án lệ này, TANDTC vận dụng nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí, tôn trọng thực tế giao dịch, lẽ công bằng. Thậm chí, từ vụ Nga – Mỹ vừa rồi thì có lẽ cần tính đến án lệ về mặt tố tụng, bởi cơ bản hiện nay là các án lệ về mặt nội dung.
Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt thẳng thắn cho rằng quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ hiện nay hơi đơn giản. Bởi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, để ban hành một văn bản quy phạm phải qua quy trình rất chặt chẽ nhưng với án lệ mà theo quy trình này thì chất lượng có thể phát sinh “vấn đề”.
Về phạm vi án lệ theo lĩnh vực, ông Đạt nhận thấy đang có “khoảng trống”. Cụ thể, pháp luật dân sự quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc với lý do không có quy định pháp luật. Nhưng trong pháp luật hình sự, một cá nhân, một tổ chức chỉ có thể chịu trách nhiệm hình sự về một tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do vậy, không thể áp dụng để xử lý hình sự đối với hành vi có thể nguy hiểm cho xã hội đó nên rõ ràng có sự khác nhau giữa hình sự và dân sự.