Ứng xử như thế nào cho đúng trong bữa tiệc là điều không đơn giản vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giao tiếp của bạn. Một lối giao tiếp thông minh, lịch sự, có văn hóa là điều nhiều người hướng đến trong xã hội hiện nay.
Khi bạn là khách
+ Khi đi dự tiệc, cần chú ý đến dáng vẻ, trang điểm, ăn mặc sạch sẽ, nền nã, lịch sự. Chọn trang phục hợp thời trang, thích hợp với bữa tiệc. Tránh ăn mặc, trang điểm lòe loẹt. Ăn mặc đẹp là thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhân, tăng bầu không khí long trọng cho bữa tiệc, khiến chủ nhân cảm thấy vui vẻ, phấn khởi.
+ Đến dự tiệc không đến quá sớm nhưng không được đến trễ. Chỉ nên đến trước thời gian mời một chút. (Trừ trường hợp bạn được chủ nhân mời đến sớm để giúp họ chuẩn bị một vài thứ).
+ Khi đến nơi, trước tiên bạn cần chủ động hỏi thăm chủ nhân, sau đó bất kể quen biết hay không đều vui vẻ tươi cười với mọi người, thăm hỏi lẫn nhau, gặp người lớn tuổi cần chủ động đứng dậy nhường chỗ. Gặp trẻ con nên hỏi han, vỗ về chúng.
+ Vào bàn tiệc tuân theo sự sắp xếp của chủ nhân. Khách lớn tuổi và khách nữ thường được phép ngồi xuống trước. Tránh những cử chỉ không đẹp mắt, thiếu lịch sự. Chủ động chuyện trò với các vị khách.
+ Sau khi thức ăn được mang lên, chủ nhân mời rượu khách, khách cần đứng dậy đáp lễ, sau khi uống rượu xong mới dùng thức ăn. Cần đợi chủ nhân “động đũa” trước, không được tranh gắp thức ăn, càng không được đứng dậy vươn người gắp thức ăn. Nếu không quen uống rượu có thể chọn thức uống khác, không nên một mực chối từ.
+ Gắp thức ăn nhẹ nhàng, tránh đụng rớt ly đĩa, khi ăn uống đừng phát ra âm thanh. Ngậm miệng nhai không phát tiếng, canh hay thức ăn quá nóng không được dùng miệng để thổi.
+ Tiệc tan có thể cáo từ ra về. Trước tiên hãy bắt tay nữ chủ nhân, sau đó là nam chủ nhân. Bạn có thể hòa cùng với đám đông tới trước mặt chủ nhân bắt tay và nói lời cảm ơn. Không nên bắt tay chủ nhân quá lâu, cho dù bạn muốn nói nhiều điều, hãy gác lại khi khác, chớ làm trở ngại chủ nhân tiễn khách.
Khi bạn là chủ nhà
+ Khi mời khách đến nhà, bạn nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Bản thân bạn phải ăn mặc tươm tất, lịch sự. Cần chuẩn bị một không gian lãng mạn, trang nhã bằng cách chuẩn bị lọ hoa và vài loại hoa quả.
+ Nếu bạn mời dùng bữa thì các món ăn cần được chuẩn bị ngon miệng, nhưng đúng mực, không phô trương lãng phí.
+ Khi đãi tiệc, lấy trò chuyện làm chính, lấy ăn uống làm phụ, chủ yếu là giao lưu tình cảm chân thật giữa chủ và khách chứ không phải là các món ăn cao cấp.
+ Nhiệt tình tiếp đãi để khách có cảm giác như đang ở tại nhà mình. Trên bàn tiệc nên kính già, chăm trẻ. Khi mời khách ngồi vào bàn tiệc nên mời người lớn tuổi trước, rồi theo thứ tự chỗ ngồi mời những người ngang hàng. Lúc mời rượu cần nhiệt tình nhưng phải đúng mực, không được ép buộc gây khó dễ cho người được mời.
+ Ăn cơm xong uống trà, trò chuyện tâm sự. Là chủ nhân, bạn phải chân thành lắng nghe người khác nói, đừng nhìn bên này ngó bên kia, thờ ơ, lơ đễnh, đừng nhìn đồng hồ, ngáp, cho dù mệt mỏi. Hãy giữ nụ cười, nhiệt tình hiếu khách cho tới khi tiễn khách ra về.
+ Khi khách muốn về, đợi khách đứng dậy cáo từ, người chủ mới đứng lên tiễn khách. Nếu khách tặng quà, người chủ phải bày tỏ sự cảm ơn.
H.L (Sưu tầm)