Trước sự phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp (DN) nước mắm truyền thống, các hiệp hội và giới chuyên gia về Dự thảo TCVN 12607: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, tại cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo này do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (CB&PTTTNS) (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN, tổ chức cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, mục đích của việc xây dựng tiêu chuẩn này nhằm đưa ra các khuyến nghị thực hành sản xuất tốt nước mắm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của nước mắm, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng (NTD).
“Người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình. Từ đó, có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng các yêu cầu ATVSTP của nước mắm” - ông Linh khẳng định.
Trước ý kiến băn khoăn về quy định hàm lượng histamin trong tiêu chuẩn và dự thảo tiêu chuẩn này có bắt buộc áp dụng hay không, ông Linh khẳng định, dự thảo TCVN 12607:2019 không quy định mức giới hạn của histamin và không bắt buộc áp dụng.
Ông Linh nhấn mạnh rằng: “Tiêu chuẩn quốc gia là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng”. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành QCVN là một việc độc lập với việc xây dựng và ban hành TCVN. Các yêu cầu và cách thể hiện của QCVN nếu có cũng sẽ không thể như quy định của dự thảo TCVN này.
Đồng quan điểm, TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho biết đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo này và thấy rằng mục tiêu của dự thảo không dành cho loại nước mắm nào cả mà dành chung cho nước mắm ở Việt Nam nhằm dành cho tất cả NTD. Từ các quy định này, cả người sản xuất và tiêu dùng có cơ sở để phát hiện, kiểm soát được từ nguyên liệu, các khâu ủ chượp, chế biến... Nếu áp dụng đúng sẽ bảo vệ được sức khỏe NTD. Vì thế ông Đáng đề nghị tiêu chuẩn sớm được xem xét để sớm ban hành, các hộ sản xuất và DN công bố áp dụng, sản phẩm có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Hiện vẫn đang còn nhiều những ý kiến về việc bộ tiêu chuẩn đưa ra những quy định làm khó cho nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống. Ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục CB&PTTTNS cho biết: Dự thảo về tiêu chuẩn này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến. Tổng cục TCĐLCL (cơ quan thẩm định) phối hợp với Cục CB&PTTNS (cơ quan biên soạn) với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới nhằm đảm bảo xây dựng được các tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng được hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính DN, NTD và cộng đồng.