4 nhóm chính sách chủ yếu
Tại Hội thảo về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI - cho biết, mặc dù Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định, tuy nhiên, do đây là vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn TMĐT, trong đó các thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT; các mạng xã hội; các doanh nghiệp (DN) logistics và các tổ chức, DN khác có hoạt động liên quan đến TMĐT, do vậy VCCI đã đề xuất tổ chức Hội thảo.
Thay mặt Ban soạn thảo, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, Dự thảo tập trung vào 4 nhóm chính sách: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong TMĐT; Quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội; Và quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.
Dự thảo hướng đến mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TMĐT, khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để TMĐT bị lợi dụng và trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật khác.
“Dự thảo Nghị định được xây dựng cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác hiện hành; đồng thời, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các điều kiện thực tế. Tuy nhiên, trên hết vẫn là đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, lành mạnh và minh bạch của tất cả các chủ thể tham gia thị trường….”- Đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh.
Góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law - cho rằng, quy định trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra mối lo ngại lớn từ phía các DN vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được cụ thể hóa theo điểm 1, Điều 17 của Luật An toàn thông tin mạng hay khoản 3 Điều 38 của Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, các công cụ tra cứu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng lọt/lộ thông tin của DN hay dữ liệu cá nhân người dùng khi rủi ro mất an toàn thông tin mạng là luôn hiện hữu từ các cuộc tấn công hoặc chiếm đoạt thông tin trên không gian mạng trên thế giới trong thời gian gần đây.
Cũng theo Luật sư Hà, với quy định về nghĩa vụ tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch TMĐT tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương, từ góc độ của DN, việc phải bố trí nhân lực, vật lực để xây dựng và duy trì công cụ theo yêu cầu của dự thảo sẽ là gánh nặng không hề nhẹ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển và truyền thông - cho rằng, việc yêu cầu chủ sàn TMTĐ tạo mục cung cấp thông tin là vi phạm quy định về an ninh mạng. Ông cũng tỏ ra băn khoăn về mức độ cung cấp thông tin. “Quy định này quá rộng, mơ hồ và nên cân nhắc vì ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam”- ông Đồng đề nghị.
Tạo rào cản với doanh nghiệp?
Là nội dung mới được đưa vào dự thảo song nhiều ý kiến cho rằng quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương khi cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT là chồng chéo vì khi làm thủ tục đầu tư, nhà đầu tư đã phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ KH&ĐT (có tham vấn ý kiến của Bộ Công Thương).
Mặc khác, quy định “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ”, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” là tiêu chí mang tính chủ quan, không rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử. Điều này khiến cho nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc trong lĩnh vực không phải công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như loại bỏ các quỹ đầu tư ra khỏi hoạt động này.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch sàn TMĐT Sendo - cho rằng quy định này tưởng như có lợi cho DN trong nước nhưng thực tế lĩnh vực TMĐT cần rất nhiều vốn, các sàn TMĐT nước ngoài như Shopee, Lazada cũng chủ yếu được công ty mẹ rót vốn. “Các sàn TMĐT trong nước cùng cần gọi vốn, vốn có thể đến từ công ty công nghệ hoặc quỹ đầu tư. Do vậy quy định này được cho là tạo rào cản với cả sàn TMĐT trong nước…” - ông Dũng phản ánh và đề nghị bỏ quy định này.
Bảo vệ người tiêu dùng nhưng không làm khó doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), quy định trách nhiệm của sàn TMĐT khi có hàng giả, hàng nhái là khá nặng, tạo thêm chi phí tuân thủ. “Dường như TMĐT càng phát triển thì lòng tin của người tiêu dùng (NTD) với TMĐT càng giảm. Dự thảo đã cố gắng để cân bằng hai yếu tố này. Tuy nhiên, mong muốn bảo vệ NTD mạnh mẽ hơn sẽ làm khó DN….” - ông Hưng lưu ý.
Liên quan đến quy định này, bà Chu Thị Hoa - Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) - đề nghị nên quy định rõ mức độ liên đới chứ không thể nói một cách mập mờ, chung chung. Bà Hoa cũng lưu ý, pháp luật thương mại coi sàn TMĐT là trung gian thương mại và không quy định sàn phải bồi thường khi NTD mua hàng gian, hàng giả.
Đại diện đến từ Bộ Tư pháp chia sẻ rằng bà hiểu do sức ép bảo vệ NTD nên dự thảo Nghị định xây dựng theo hướng “siết” và quản lý chặt hơn các sàn TMĐT. Tuy nhiên, nếu không khéo, điều này sẽ hạn chế việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số mà Chính phủ đang thúc đẩy. “Hãy để các sàn cạnh tranh với nhau, nếu không đủ uy tín thì sàn sẽ tự diệt theo quy luật thị trường…”- bà Hoa đề nghị.