Dự kiến trong tháng 10 này, Thông tư về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động sẽ được Bộ LĐTB&XH ban hành thay thế cho các Thông tư số 04/2009/TT- BLĐTBXH và Thông tư số 34/2009/TT- BLĐTBXH mà Bộ này ban hành trước đây. Điều đáng mừng là Dự thảo thông tư lần này có khá nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
Kéo dài thêm thời gian đăng ký hưởng TCTN
Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi có bị mất việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động , hợp đồng làm việc, người lao động phải đến Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTBXH để đăng ký thất nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do bất khả kháng, họ đã không thể đăng ký thất nghiệp kịp thời nên không được hưởng quyền lợi thất nghiệp.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Dự thảo thông tư đã bổ sung thêm những trường hợp bất khả kháng mà nếu người lao động rơi vào một trong các trường hợp này, sẽ được kéo dài thêm thời gian đăng ký thất nghiệp (nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn đăng ký thất nghiệp). Tức là trong trường hợp này, người lao động sẽ có tất cả 37 ngày để đi đăng ký thất nghiệp.
Đó là các trường hợp sau: người lao động bị ốm đau, thai sản,bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên; bị tai nạn giao thông có giấy xác nhận của CSGT; do thiên tai, địch họa có xác nhận của chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn…
Người lao động rơi vào các trường hợp trên cũng được kéo dài thêm thời gian nộp hồ sơ hưởng TCTN đến 30 ngày. Tương tự, nếu rơi vào các trường hợp bất khả kháng thì thời gian này cũng được miễn trừ, không phải trực tiếp đến thông báo tình trạng việc làm hằng tháng để tiếp tục hưởng TCTN.
Điều đặc biệt, Dự thảo thông tư cũng quy định rõ mốc thời gian của ngày đầu tiên trong thời gian 7 ngày, như sau: “Ngày thứ nhất trong 7 ngày là ngày làm việc ngay sau ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ…”.
Nếu như hai thông tư trước đây không quy định cụ thể thế nào là “tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp” để làm cơ sở tính TCTN cho người lao động, bởi vậy khi thực hiện chính sách này, các cơ quan chức năng đã gặp không ít khó khăn. Nay, Dự thảo đã giải thích rõ cụm từ này: “Được tính là tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất một ngày trong tháng đó” .
Đối tượng nào không được tham gia BHTN?
Dự thảo cũng quy định rõ những trường hợp người lao động được xác định là có việc làm nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau: Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên; Có quyết định tuyển dụng (đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc); Chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Một điểm mới của Dự thảo thông tư lần này là đã quy định cụ thể thêm các đối tượng không được tham gia BHTN. Đó là những người là công chức theo quy định tại Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ. Bao gồm: Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; Công chức trong cơ quan nhà nước; Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Ngoài chế độ TCTN, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ tìm việc làm và hỗ trợ học nghề cũng được quy định cụ thể tại Dự thảo thông tư này./.
Vân Anh