Nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0
Nói về dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là dự thảo), ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định đây là thành quả “phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thể hiện lộ trình để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050”.
Tại Hội thảo tham vấn về dự thảo vừa diễn ra, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn đã cho biết, dự thảo được xây dựng với nhiều mục tiêu khí hậu quan trọng như tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra; nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước…
Từ đó, dự thảo này cũng đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Đầu tiên, về chủ động thích ứng với BĐKH bao gồm hai nhiệm vụ chính, đó là Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; và Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH. Thứ hai, về giảm phát thải khí nhà kính bao gồm các nhiệm vụ chung và giảm phát thải khí nhà kính theo các lĩnh vực cụ thể như: năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất, chất thải, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp. Cuối cùng là các nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh những mục tiêu cụ thể phải đạt được trong thời gian tới.
Đơn cử, trong nhóm nhiệm vụ đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đến năm 2025 phải hoàn thành cơ chế xây dựng và ban hành các quy định về thuế các-bon; đến năm 2030 phải thành lập và tổ chức vận hành được thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới…
Trong nhóm nhiệm vụ về chuyển đổi năng lượng và công nghiệp, Đề án cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng như hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó là nghiên cứu các khả năng chấm dứt sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu từ nay đến năm 2040, tăng cường điện khí hoá trong lĩnh vực giao thông,…
Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. (Ảnh: UNDP) |
Cụ thể hóa cam kết
Trước đó, tại Hội nghị COP26, những cam kết mạnh mẽ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Đến nay, việc công bố dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH để tham vấn ý kiến, góp ý các bên đã một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với khí hậu. Đặc biệt là sự chủ động của Việt Nam trong các cuộc đối thoại quốc tế về BĐKH cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đề cao.
Ông Weert Börner, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội chia sẻ: “Với việc hoàn thành dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu. Dự thảo Chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng và đầy thách thức nhưng khả thi”. Theo đó, ông Weert Börner khẳng định, Chính phủ Đức cũng quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết để đạt được cam kết COP26 theo hướng công bằng và bền vững.
Ông David McNaught, Tham tán Chính trị Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam và khẳng định cam kết của Chính phủ Anh trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam ở nhiều mặt, đơn cử hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, giúp đỡ Việt Nam tiếp cận được các nguồn vốn công và nguồn vốn tư phù hợp với quá trình chuyển dịch. Ông cũng chỉ ra, trong những năm qua, các doanh nghiệp của Anh cũng đã thấy được những cơ hội để tiếp cận thị trường, cũng như góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, do đó, trong Chiến lược quốc gia cần đưa ra thêm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để tăng thêm sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo đó, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khuyến nghị, về mặt chính sách, “xây dựng Luật BĐKH nhất quán và đẩy nhanh các biện pháp thích ứng là trọng tâm để tăng cường khả năng chống chịu cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với người dân và cộng động đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Điều quan trọng không kém là thiết lập lộ trình chuyển đổi xanh và công bằng, có các cơ chế chính sách minh bạch để theo dõi các dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án và chương trình đầu tư xanh”.
Các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Mạng lưới chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (SEA Energy Transition Partnership), cũng nhận định dự thảo là bước đầu tiên đi từ cam kết tới hành động. Tuy nhiên, cần lưu ý đến sự cân bằng trong việc xây dựng khả năng chống chịu cho cộng đồng bên cạnh việc giảm thiểu các-bon cho các ngành sản xuất khác nhau.