Thảo luận về dự án Luật Khiếu nại, sáng qua, nhiều ĐBQH cho rằng, Dự thảo luật cơ bản khắc phục được những khiếm khuyết của Luật Khiếu nại tố cáo (KNTC) hiện hành; và cùng với Luật Tố tụng hành chính, Luật KN “như 2 vợ chồng” sẽ giải quyết được những bức xúc, tồn tại của việc giải quyết KN thời gian qua…
Trả lời khiếu nại phải bằng quyết định
Phân tích thực trạng và đưa ra dẫn chứng về những “tắc nghẽn” trong công tác giải quyết KNTC hiện nay, ĐB Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) còn chỉ ra thực tế là đang có hiện tượng giải quyết khiếu nại “kiểu gì cũng đúng” do thường trả lời miệng hoặc chỉ viết tay vào đơn, nên dẫn đến nhiều khiếu kiện rắc rối. Bên cạnh đó, văn bản trả lời khiếu nại chủ yếu là công văn, thông báo (chứ không phải quyết định giải quyết khiếu nại) Mà theo một số ĐB, đó là “chiêu bài rất khôn” của nhiều cơ quan hành chính.
Từ đó, ĐB Khem đề nghị luật phải qui định cụ thể, văn bản giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền phải ban hành dưới hình thức quyết định để làm căn cứ xác định kết quả giải quyết khiếu nại chính thức. LS.Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cũng cùng quan điểm khi đề nghị, phải có quy định rõ, “cơ quan hành chính nhận đơn thì phải có trách nhiệm với công dân, phải ra quyết định chứ không phải công văn” vì “nếu ra công văn thì tòa không xử được do đối tượng xử là quyết định hành chính (QĐHC) chứ không công văn”.
Nghiên cứu dự án Luật KN, ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) lo ngại, nếu để qui định về chuyển đơn giải quyết KN thì thực trạng chuyển đơn thư từ cơ quan sang cơ quan khác, không cơ quan nào giải quyết, “còn nếu dân đến nhiều lần thì giải quyết bằng cách… chuyển về địa phương” sẽ không được giải quyết dứt điểm. Do đó, phải giải quyết khiếu nại sao cho hiệu quả ngay từ lần đầu để tạo tín nhiệm của người dân.
Còn ĐB Cầm Chí Kiên (Sơn La) lo lắng về qui định thời hạn trả lời của các cơ quan chức năng khi nhận được đơn khiếu nại của các cơ quan dân cử hay tổ chức đoàn thể chuyển sang. Hiện, MTTQ chuyển đơn thư sang cơ quan chức năng, nhưng không phải vấn đề nào cũng giải quyết ngay được, có những vụ phải hàng tháng mới xong. Không chỉ vậy, ngay trả lời công văn chuyển đơn cũng không có. Do đó, “cần xem lại qui định về thời gian trả lời khi nhận được đơn, qui định chế tài nếu không thực hiện cho thỏa đáng”.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Nhiều ĐB đã đề nghị như vậy khi phân tích về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật KN. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận thấy, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh để giải quyết các vấn đề thực tế vì dù đa số các khiếu nại đối với QĐHC trái PL của cơ quan hành chính, nhưng không có nghĩa là các cơ quan khác (như TA, VKS…) không có QĐHC bị khiếu nại như các QĐ liên quan đến công tác cán bộ.
Ông Lưu còn đề nghị, nên có qui định về nguyên tắc xác định những QĐHC nào thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao không được khiếu nại theo luật này vì các cơ quan an ninh, quốc phòng, ngoại giao cũng có những QĐHC liên quan đến người dân, tổ chức dân sự.
Giám đốc CA Kon Tum Hoàng Hữu Năng cũng thấy, nhiều vấn đề liên quan đến viên chức, cơ quan sự nghiệp cũng có khiếu nại, nên phải đưa vào luật này (không để rải rác ở các văn bản khác nhau). “Nếu không các QĐHC của thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, đơn vị công lập bị KN thì giải quyết theo luật nào hay sẽ phải có luật riêng?” – ĐB Năng băn khoăn.
Không “né” khiếu kiện đông người
Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là giải quyết khiếu kiện đông người, vượt cấp – đang rất phức tạp và phổ biến. ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) cho rằng, “Không đề cập đến khiếu kiện đông người là né tránh vấn đề xã hội đang bức xúc, cần giải quyết. Nhiều khi khiếu kiện đông người lại dùng cách này hay cách khác xử lý như cho cắt điện, hoặc tác động đến gia đình, tài sản… của người khiếu nại, làm mất lòng tin trong nhân dân. Tuy nhiên, chưa quy định trong luật nên vẫn diễn ra”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình và cho rằng, dự án Luật KN “không nên né tránh vấn đề KN đông người”, mà chỉ nên qui định giải quyết khiếu nại đông người đối với những vấn đề pháp luật cụ thể, áp dụng một lần. Đối với những vấn đề liên quan đến chính sách chung thì giải quyết theo cơ chế khác.
“Thực tế có nhiều người làm nghề khiếu nại, viết đơn khiếu nại “thuê” cần xử lý nghiêm, cần qui định không giải quyết các đơn có chữ ký photo, tránh trường hợp một đơn sao nhiều bản gửi đi nhiều nơi, không đúng thẩm quyền giải quyết hay mạo chữ của người khác vào đơn” – ĐB Năng đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Còn ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ nỗi lo, với những qui định về quyền khiếu kiện trong dự thảo Luật “sẽ khiến các công trình, dự án không biết đến bao giờ mới khởi công được và làm cho các vụ khiếu nại, khiếu kiện hành chính sẽ tăng chứ không giảm như mong muốn khi xây dựng Luật này”.
Đặc biệt, các ĐBQH nhận thấy, văn bản có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành ngay “không thể cho phép kéo dài cả tháng mới thi hành như dự thảo, sẽ làm mất tính kịp thời và nghiêm minh của pháp luật” như quan điểm của ĐB Trịnh Tiến Long (Bắc Kạn) và “nếu mà làm thế này mãi thì kẹt khiếu nại không dừng” – LS. Trừng đồng tình.
H. Giang - Thanh Hằng