Tránh dịch trên du thuyền
Ông trùm truyền thông Mỹ David Geffen trên tài khoản Instagram cá nhân vào cuối tháng 3 vừa qua đăng bức ảnh một chiếc du thuyền khổng lồ đang bơi trong vùng nước yên tĩnh ngoài khơi các đảo ở Caribbean. “Hoàng hôn đêm qua... cách ly ở Grenadines để tránh virus. Tôi hy vọng mọi người đều an toàn”, Geffen viết.
Bài đăng của ông này đã gây ra sự phẫn nộ của người dùng mạng xã hội về sự bất bình đẳng được nhấn mạnh bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, khi khung cảnh thiên đường của Geffen là một thế giới khác xa cảnh tượng hàng dài những người dân khác xếp hàng chờ đợi phân phát thực phẩm ở những nơi khác trên thế giới.
Những ngày qua, một số người thuộc tầng lớp giàu có trên toàn cầu đã đổ xô đến những ngôi nhà mơ ước ở vùng nông thôn hoặc dùng máy bay riêng để di chuyển đến những khu nghỉ dưỡng xa hoa bên bờ biển để vừa tĩnh tâm, vừa tránh dịch.
Công ty PrivateFly cho biết, họ đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng đặt phòng từ những người muốn rời khỏi các quốc gia có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Trong khi đó, một số người khác lại chọn đầu tư vào các hầm trú ẩn dưới lòng đất, như công ty Rising S Bunkers có trụ sở tại Texas cho hay, điện thoại của họ đã “cháy máy” vì những cuộc gọi hỏi thăm.
Nội thất sang trọng chuẩn 5 sao trên du thuyền |
Những căn hầm mà Rising S Bunkers cung cấp được gọi là Aristocrat, bao gồm phòng tập thể dục, phòng tắm hơi, bể bơi, bể sục, vườn nhà kính và nhà để xe. Giá của một căn hầm như vậy lên tới 8,35 triệu USD. Những người khác thì đã nhân cơ hội dịch bệnh để tân trang hầm rượu của họ. Các hầm rượu xoắn ốc, ở khu vực Wimbledon thượng lưu phía Tây Nam London, đã báo cáo hoạt động kỷ lục trong những ngày gần đây.
Nhiều người khác chọn thuê cả khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng tránh xa các thành phố đông đúc để tránh bị lây nhiễm. Ví dụ, tại Mỹ, khu nghỉ dưỡng cao cấp Blantyre Country trên cao nguyên Berkshires ở bang Massachusetts dù đang đóng cửa vào dịp nghỉ đông hàng năm nhưng vẫn nhận được một số cuộc gọi của khách quen muốn “bao” cả khu.
“Đang có xu hướng đi du lịch cả gia đình và chỗ chúng tôi là một trong những lựa chọn”, quản lý Stephen Benson cho biết. Khu nghỉ dưỡng này mở cửa vào năm ngoái và hiện đang tiếp nhận khách “bao” cả khu với giá 38.000 USD (tương đương khoảng 897 triệu đồng/ngày). Khách sạn Cape Arundel ở Maine cũng rao cho thuê với mức giá 19.500 USD cho toàn bộ khách sạn với 14 phòng hướng nhìn ra biển.
Một số gia đình giàu có ở Mỹ còn thuê cả một khu vực lớn hoặc một thị trấn ở nông thôn để tránh dịch Covid-19. Những thông tin trên thể hiện sự phân hóa xã hội sâu sắc ở Mỹ, khi trong khi những người giàu có tìm cách vừa tránh dịch vừa hưởng thụ thì số người không có việc làm phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này đã tăng lên con số hơn 30 triệu đơn.
Nhiều người thậm chí không đủ tiền để ra khỏi nhà chứ chưa nói đến chuyện rời khỏi bang hay thuê nguyên khách sạn. Bên cạnh đó, nhiều người cũng phẫn nộ khi những người giàu có vẫn rời khỏi nhà bất chấp khuyến cáo tự cách ly, dẫn đến nguy cơ trở thành bệnh nhân “siêu lây lan” nếu đến từ những điểm nóng như New York và mang theo virus đến nơi khác.
Người giàu châu Á mua cả hòn đảo
Trong khi đó, giới siêu giàu châu Á lại để mắt đến việc mua đảo riêng để tránh dịch bệnh. Tờ SCMP dẫn thông tin từ các đại lý trung gian về môi giới mua bán đảo cho biết, họ đã nhận được nhiều yêu cầu tìm mua đảo từ giới siêu giàu châu Á.
Xu hướng người giàu đi mua đảo giữa mùa dịch được cho là do họ nhận định một thương vụ như vậy ở thời điểm này sẽ là “một mũi tên trúng 2 đích” vì hòn đảo đó sẽ vừa là nơi tránh dịch Covid-19, vừa có thể xem là một khoản đầu tư dài hạn. Thêm vào đó, giá cả của các hòn đảo nhiều khi không quá đắt đỏ. Một số đảo có thể có giá lên tới cả trăm triệu USD, nhưng ở một số nơi giá có thể khoảng 55.000 USD, chỉ bằng một phần so với giá một căn hộ trung bình ở Hong Kong (Trung Quốc).
Nhiều hòn đảo đẹp như thiên đường đã được giới siêu giàu châu Á mua trọn để sống cách ly tránh dịch |
Theo ông Edward de Mallet Morgan (một người môi giới) cho biết, mối quan tâm của các khách hàng tiềm năng với việc mua đảo đã tăng đáng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán cuối năm ngoái. “Nhiều người trước đó từng quan tâm tới việc mua đảo. Tình hình thế giới hiện càng thúc đẩy họ tìm một nơi an toàn cho bản thân và gia đình”, ông Morgan nói.
Còn ông Chris Krolow (Giám đốc điều hành của Công ty Private Islands của Canada) cũng cho hay, nhu cầu mua đảo riêng đã gia tăng trong những tháng qua, đặc biệt với những hòn đảo ở vùng Caribbean và Trung Mỹ. “Người mua châu Á là những nhà đầu tư thận trọng, họ đang tìm kiếm một nơi để ẩn náu cũng như cơ hội để thu hồi lợi nhuận trong tương lai. Hòn đảo là nơi họ có thể phát triển hoặc bán lại”, ông này cho biết.
Ngoài ra, với giới siêu giàu thì việc kinh doanh đã ăn vào máu của nhiều người, ngay cả khi phải cách ly, một số tỷ phú vẫn đã tìm mọi cách để giàu hơn kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng. Theo nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ, tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng gần 10% lên mức 282 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 18/3 đến 10/4, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán của các công ty như Tesla của Elon Musk và Amazon của ông Jeff Bezos.
Một số đã tỏ ra hào phóng quyên góp cho việc chống dịch, chẳng hạn như người sáng lập Twitter Jack Dorsey, người đang trao 1 tỉ USD để giúp chống lại đại dịch Covid-19 còn ông Bezos cũng đã cung cấp 100 triệu USD cho các ngân hàng thực phẩm Mỹ. Danh sách tỷ phú của Forbes đã lần đầu tiên bao gồm Eric Yuan - người sáng lập ứng dụng hội nghị truyền hình Zoom đã được chứng minh rất phổ biến trong quá trình người dân phải ở nhà do các lệnh phong tỏa.
Song, đó chỉ là những tác động ban đầu và với số không nhiều người. Forbes cho biết, cuộc khủng hoảng đang bắt đầu gây nguy hiểm và đã góp phần làm giảm số lượng tỷ phú trên toàn thế giới từ con số 2.153 người ở năm 2019 xuống còn 2.095 vào năm 2020. “Những người giàu nhất thế giới không tránh khỏi sự tàn phá của đại dịch”, nhà báo Kerry Dolan của Forbes cho biết. Theo tờ Dailymail, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, Mỹ đã mất 500.000 triệu phú, còn số tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã tụt giảm tới 1.300 tỉ USD.