Rào cản nằm ở Visa du lịch?
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân phiên Hiến kế về du lịch, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho hay, Việt Nam có vị thế đặc biệt về du lịch. Theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia cho thấy, du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu).
Bên cạnh đó, khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu còn khiêm tốn. Khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực. Khách chi tiêu 96 USD một ngày nhưng ở Singapore là 330 USD mỗi ngày... Tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ 2015.
“Khách Bắc Mỹ từ 7,6 đến 5,8, châu Âu 14,6% xuống 13,1% trong khi khách châu Á tăng mạnh. Các thị trường ngách chi tiêu cao nhưng vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”- ông Tùng cho hay.
Qua những con số trên, ông Tùng nhận định, thách thức lớn nhất đối với du lịch Việt hiện nay là thị phần khách quốc tế đến Việt Nam chưa phù hợp, nếu không được giải quyết sẽ là trở ngại để ngành du lịch nước ta phát triển xứng đáng với tiềm năng và đạt được những kỳ vọng. Dự kiến đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới, ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói.
Về phía DN, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho biết, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam đang khiến cho du khách cảm thấy không được chào đón. Từ thực tế này, đại diện các DN đề xuất cơ quan quản lý xem xét miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng, cần miễn thị thực visa 5-10 năm đối với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt như Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam, Mỹ đặt giới hạn về visa. Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa. “Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Sea Games, Festival Huế, Vesak” - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.
Miễn thị thực không phải tiêu chí khách nước ngoài chọn Việt Nam
Trước các kiến nghị của các DN, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.
Cụ thể, bà Lan cho biết, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 nước từ năm 2004. Từ tháng 2- 017, Chính phủ cấp thị thực điện tử cho công dân trên 80 nước, với thủ tục thuận lợi. “Qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực” - bà Lan dẫn chứng.
Từ đó, bà Lan cho rằng, việc miễn thị thực phải song hành với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch thì mới thu hút được khách quốc tế. Thị thực chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh của một nước. Một số quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách miễn thị thực không quá mở.
Đồng ý với ý kiến của Bộ Ngoại giao cho rằng miễn thị thực không phải tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an dẫn chứng: khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh vào Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa. Do đó, miễn visa không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế.
Theo Đại tá Thống, thủ tục xuất nhập cảnh là do Bộ Công an quản lý. Theo Luật 47/2014/QH13 Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam, chính sách thị thực hoàn toàn đơn giản. Hiện Bộ Công an xây dựng hồ sơ sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật 47/2014/QH13 để trình Chính phủ. Trong đó, Việt Nam đơn phương miễn visa 15 ngày cho công dân một số nước và bỏ quy định về thời gian giữa các lần nhập cảnh... Ngoài ra, về công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cơ quan này đang nghiên cứu dựng cổng xuất nhập cảnh tự động tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 4 tháng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm thu hút khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng khách liên tục đạt trên mức 1,4 triệu lượt mỗi tháng kể từ đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm hầu hết khách đến từ các thị trường chính đều tăng, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao nhất vẫn là khách đến từ các nước châu Á với gần 4,5 triệu lượt người, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; Khách đến từ châu Âu ước đạt hơn 891 nghìn lượt người, tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước; Khách đến từ Châu Mỹ đạt hơn 375 nghìn lượt người, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; Khách đến từ Châu Đại Dương đạt hơn 163 nghìn lượt người, tăng 0,4%; Khách đến từ Châu Phi đạt 16 nghìn lượt người, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.