Theo AFP, trong phát biểu ngày 27/2, bà Guevara cho rằng cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra con số đánh giá chính xác về thiệt hại của dịch bệnh COVID-19 hiện nay tới ngành du lịch thế giới.
Tuy nhiên, theo một tính toán sơ bộ do WTTC phối hợp với công ty nghiên cứu Oxford Economics, cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra hiện nay sẽ khiến lĩnh vực du lịch thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD.
“Tính toán này dựa trên kinh nghiệm về các cuộc khủng hoảng trước đó như dịch SARS hoặc dịch cúm H1N1, và dựa trên những thiệt hại do sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc trong những tuần gần đây”, bà Guevara nói và cho biết người Trung Quốc là những du khách tiêu nhiều tiền nhất.
Trước đó, Oxford Economics cho biết, thiệt hại khoảng 20,2 tỷ USD của ngành “công nghiệp không khói” được đưa ra dựa trên kịch bản khả quan nhất với giả định số lượt khách Trung Quốc du lịch ra nước ngoài giảm 7%.
Tuy nhiên, mức thiệt hại có thể tăng gấp đôi, lên tới 49 tỷ USD nếu dịch COVID-19 kéo dài tương tự dịch SARS (từ tháng 11/2002 – tháng 7/2003) và có thể tăng tới 73 tỷ USD nếu dịch hiện nay hoành hành lâu hơn nữa.
Ngày 27/2, thị trường chứng khoán tiếp tục chìm sâu trong sắc đỏ trong khi giá dầu cũng đã giảm. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm trong 6 ngày liên tiếp, xóa sạch hơn 3,6 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa.
Ông Jeremy Farrar - một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm và là Giám đốc của tổ chức từ thiện y tế toàn cầu Wellcome Trust - đã kêu gọi các tổ chức tài chính cam kết tài trợ 10 tỷ USD để chống lại virus.
“Những gì chúng ta thực sự đang thiếu là hữu hình, đó là những khoản tài trợ và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính toàn cầu. Tác động có thể có của virus corona này vượt xa một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe - đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu có khả năng đạt đến quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”, ông nói.