NƯỚC - ĐIỂM TỰA CHO THANH THỦY THĂNG HOA
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính Phủ) đã chỉ đạo tỉnh Phú Thọ cần đưa du lịch trở thành một mũi nhọn, đòn bẩy cho các lĩnh vực khác; thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ.
Trong số các huyện, thành thị của tỉnh Phú Thọ, Thanh Thủy nổi lên là một cực tăng trưởng chiếm vị thế quan trọng về du lịch. Nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, đối diện là dãy Ba Vì quanh năm mây trắng, Thanh Thủy lắng đọng trầm tích từ thủa dựng nước, nơi Đền Lăng Sương – thánh Tản hạ sinh , nơi đình Đào Xá vui hội rước voi cầu quốc thái dân an...
Đặc biệt nhắc đến thế mạnh về du lịch của Thanh Thủy không thể không nhắc đến nguồn nước khoáng nóng – “viên ngọc quý” mà mẹ thiên nhiên dành tặng cho vùng đất này. Nhiệt độ của nước nóng tại đây dao động từ 37-450c, trữ lượng tĩnh hơn 19,7 triệu m3. Không chỉ có nhiều chất vi lượng như Natri, Canxi, Magie mà đặc biệt nước khoáng ở đây còn có hàm lượng chất Radon vừa phải để tạo nên một loại nước quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khỏe và chữa bệnh.
Nói như nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: “Ngày xưa tiền nhân hẳn chẳng vô tình khi đặt tên Thanh Thủy. Nước kết lên linh hồn, nước là điểm tựa cho Thanh Thủy thăng hoa, khởi tiến”. Quả thực, chính việc sở hữu nguồn khoáng nóng vô giá đã là “bàn đạp” để Thanh Thủy từ một huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào hạt lúa, củ khoai trở thành một địa phương phát triển năng động, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
CÓ TRÊN 70 DỰ ÁN ĐANG TRIỂN KHAI
Có chủ trương đúng, có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, có thể nói Thanh Thủy đang hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển du lịch, ông Dương Quốc Lâm – Chủ tịch UBND huyện cho biết: trong những năm gần đây du lịch Thanh Thủy đã có những bước phát triển theo đúng định hướng, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao; đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Phát triển du lịch còn góp phần khôi phục, bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện, thúc đẩy nhiều loại hình dịch vụ phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Thủy tiếp tục xác định du lịch là khâu đột phá, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, vui chơi giải trí; du lịch văn hóa tâm linh.
Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. |
Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 70 dự án đang triển khai. Trong đó có các dự án quan trọng về du lịch như: Dự án Wyndham Thanh Thủy; dự án Khu du lịch, biệt thự sinh thái - nghỉ dưỡng Vườn Vua; dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Đảo Ngọc Xanh; dự án Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng La Phù; dự án du lịch nghỉ dưỡng Bamboo Thanh Thủy; dự án Khu du lịch sinh thái Thanh Lâm với tổng diện tích trên 300 ha; tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng.
Một số dự án đang trong tiến trình đầu tư như: Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp của tập đoàn Flamingo; dự án khu du lịch sinh thái Hồ Suối Rồng, một số dự án khu đô thị kiểu mẫu như: Dự án khu đô thị Ba Cô, Cửa hàng; Dự án khu đô thị Đồng Sạn ở thị trấn Thanh Thủy; dự án Khu dân cư Nông thôn mới xã Hoàng Xá; khu Dân cư Nông thôn mới trại Mít, xã Đồng Trung; khu dân cư Nông thôn mới xã Bảo Yên…tổng diện tích đất của các dự án đang chuẩn bị đầu tư khoảng 350ha với số vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.
TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI NHẤT CHO NHÀ ĐẦU TƯ
Những con số thật ấn tượng cho thấy quyết tâm của chính quyền và nhân dân Thanh Thủy. Ông Dương Quốc Lâm – Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã có những giải pháp rất cụ thể để thực hiện mục tiêu xây dựng Thanh Thủy sớm trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh, phát triển nhanh, bền vững, cụ thể:
Một là: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; Xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Thanh Thủy gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; huy động sự tham gia của toàn xã hội trong xúc tiến quảng bá du lịch. Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Hai là: Rà soát, bổ sung và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; Quản lý chặt chẽ quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã được tỉnh phê duyệt, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tâm huyết phát triển các dự án du lịch mới của huyện. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch.
Ba là: Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, đầu tư cho kết cấu hạ tầng du lịch; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống đường giao thông, hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng; bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, các cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.
Bốn là: Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Thủy theo hướng phát triển du lịch bền vững.
Năm là: Bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là người dân ở các khu du lịch, nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện.
Sáu là: Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và liên kết phát triển du lịch; quản lý tốt nguồn tài nguyên nước khoáng nóng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ thực hiện các quy định đối với hệ thống xử lý nước thải, rác thải, chất thải tại các khu, điểm du lịch.
Bảy là: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch tuân thủ đúng quy định pháp luật.
ỨNG PHÓ COVID-19, THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP
Từ cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và ngày càng diễn biến phức tạp, huyện Thanh Thủy đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.522 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch, thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt trên 146 tỷ đồng, đạt gần 155% kế hoạch.
Huyện đã chủ động ban hành nhiều văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung thực hiện quyết liệt trên tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Trung ương đến Tỉnh, sự chủ động, quyết liệt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình” đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đến nay không phát sinh ca lây nhiễm, mắc mới trong cộng đồng, được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và đánh giá cao.
Song song với nhiệm vụ chống dịch, chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy Dương Quốc Lâm cho biết: "Phát triển kinh tế để nâng cao sức mạnh phòng, chống dịch; phòng, chống dịch để xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Do đó, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2021, huyện cũng tăng cường công tác lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tập trung vào các giải pháp cụ thể, những khâu đột phá nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương".
Cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch; huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động.
“Có được những kết quả kết trên, không chỉ nhờ sự quyết tâm cao của chính quyền mà còn có sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Thanh Thủy luôn chào đón, kêu gọi các nhà đầu tư có tâm, có tầm nhìn và có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh tạo thành các tour, tuyến tham quan, nghỉ dưỡng”, Chủ tịch UBND huyện Dương Quốc Lâm chia sẻ.