Là người mở đầu chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Văn Tuyên - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch cộng đồng - đã bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước những tiềm năng về du lịch của mảnh đất này. Ông nói: Đến với Thái Nguyên là trải nghiệm một cung đường cảm xúc, cung đường di sản, đây là những thứ không phải có tiền là làm được, không phải nơi nào cũng có được.
Ông cho biết: "Trong suốt 25 năm qua, chúng tôi đã khảo sát, tổ chức các đoàn famtrip, chúng tôi thấy chưa nơi nào mà có nhiều điểm đến về di sản, văn hóa, sinh thái, con người... ấn tượng như vậy. Thêm một minh chứng rõ ràng nữa cho điều tuyệt vời ở Thái Nguyên là năm vừa rồi, làng Thái Hải của Thái Nguyên đã lọt vào 32 làng du lịch tốt nhất thế giới.“
Theo ông Tuyên, để có được vinh dự này, không phải là Thái Hải đáp ứng được những điều kiện này nọ khắt khe, cầu kỳ, mà nơi ấy đã mang lại những cảm giác hạnh phúc cho du khách.
“Chúng tôi mang cảm xúc chạm đến trái tim khách hàng.“ – ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cũng khẳng định bản làng Thái Hải được vinh danh nhờ sự quan tâm của chính quyền, có những biện pháp hữu hiệu để tạo nên thương hiệu cho bản làng. Tuy nhiên, ông cho rằng Thái Nguyên chưa tận dụng được tiềm năng này, chưa tận dụng được thương hiệu du lịch cộng đồng để phát triển.
Ông Vũ Văn Tuyên - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch cộng đồng - chia sẻ tại Hội nghị. |
Phân tích về những yếu tố địa lý, ông Tuyên khẳng định Thái Nguyên có rất nhiều ưu thế khi chỉ cách Hà Nội gần 100km, cách sân bay Nội bài chỉ 75km – với khoảng 35 phút di chuyển. Tuy nhiên, với lợi thế đó, Thái Nguyên đang nằm ở đâu trên bản đồ du lịch Việt Nam?
"Là người làm du lịch, chúng tôi cần thương hiệu. Thái Nguyên là điểm đến mới, cung đường di sản văn hóa có muôn vàn thứ để khách trải nghiệm. Nhưng cần phải định vị thương hiệu đó để truyền tải tới du khách. Tỉnh Thái Nguyên phải tạo ra các sản phẩm để các công ty du lịch có thể khai thác.“ – ông Tuyên nói.
Kết thúc bài phát biểu, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch cộng đồng ví Thái Nguyên như một cô gái đẹp. Nhưng cô gái đẹp ấy ngày nào cũng chỉ mặc một chiếc áo dài. “Nếu cô ấy có nhiều áo dài hơn, 5 chiếc 5 màu, cô ấy sẽ đẹp hơn, hấp dẫn du khách hơn“. ông nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thản – Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội đề nghị Thái Nguyên nên chau chuốt lại các sản phẩm của mình để lôi cuốn du khách. Ông đề nghị các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên nên có chính sách hướng tới phát triển du lịch cộng đồng. Động viên các doanh nghiệp, tạo điều kiện hạ tầng cho các hộ gia đình để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là một loại hình tận dụng được các lợi thế có sẵn, không cần bỏ vốn nhiều, không mất thời gian, nhưng sản phẩm rất đặc sắc. Ông cũng lưu ý Thái Nguyên nên chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Sự tinh tế, chuyên nghiệp trong khâu phục vụ chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
“Thái Nguyên có lợi thế rất nhiều, di tích lịch sử, di sản văn hóa của các dân tộc, những sản vật nổi tiếng... Chúng ta có rồi, nhưng tại sao Thái Nguyên chưa phát triển du lịch như mong muốn? Là vì chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Chúng ta có thuận lợi, an toàn, thân thiện, Thái Nguyên có cả, nhưng ở mức độ nào thì Thái Nguyên phải tự xem lại mình, không thể chê khách được. Đơn vị lữ hành có làm thế, làm nữa, nhưng cơ sở ở Thái Nguyên chưa đáp ứng được thì khách vẫn không thấy hấp dẫn.
Ông cũng góp ý các nhà làm du lịch tại Thái Nguyên nên nghiên cứu mô hình chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu du lịch trong tình hình mới.
Đại diện cho những người làm công tác du lịch, ông Nguyễn Văn Tứ đặt câu hỏi: “Ngoài trà, Thái Nguyên còn có thương hiệu gì?“ Câu hỏi này của ông Tứ cũng chung quan điểm với Đại diện Vietnam airline Lê Trí Quân. Ông Quân cũng mong muốn Thái Nguyên tạo những điểm nhấn cho mình dựa trên những nguồn lực tự nhiên, con người, lịch sử văn hóa. Không làm tràn lan, nhưng cần 1, 2 sản phẩm độc đáo, “Từ đó chúng tôi sẽ có những kết nối, mang thông tin du lịch Thái Nguyên đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Không đòi hỏi những sản phẩm mới, ông Phạm Hải Quỳnh– chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam – lại cho rằng Thái Nguyên cần hoàn thiện những sản phẩm của mình.
“Chúng ta đã nói về câu chuyện trà. Nhiều địa phương làm, có thể làm nhiều sinh kế về trà. Cần làm sâu sắc nó. Hồ núi cốc không có thay đổi gì cả. Chúng ta hoàn thiện nó đi, làm tốt, làm cho nó thật lung linh đi. Đưa truyền thông vào để những khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn đi.“ Ông Quỳnh nói, và dẫn câu chuyện về tác dụng truyền thông đối với biển vô cực ở Thái Bình, và đề nghị Thái Nguyên nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này.
“Là người đồng hành du lịch cộng đồng Tôi thấy Thái Nguyên là nơi có nhiều bản làng có giá trị. Hãy làm thế nào để mỗi điểm đến này mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng, được thị trường công nhận. Thái Nguyên đã làm gì để xúc tiến? Hãy làm thật tốt những cái đang có trước khi kêu gọi những cái lớn hơn.“ Chúc Thái Nguyên tìm được chìa khóa của mình để có những sản phẩm hấp dẫn hơn với khách hàng. – ông nói.
Có mặt trong buổi Tọa đàm ông Nguyễn Lê Phúc – phó tổng cục trưởng tổng cục du lịch. Cũng đã gợi ý tỉnh Thái Nguyên lưu ý phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Ông cũng đề nghị Thái Nguyên cần nâng cao chất lượng dịch vụ, lưu trú, hướng dẫn viên, đồng thời tăng cường mối liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp để cùng phát triển.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm hôm nay đã diễn ra lễ Ký kết hợp tác phát triển giữa Hiệp hội du lịch 6 tỉnh miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn.
Thái Nguyên là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…
Tiềm năng du lịch Thái Nguyên biểu hiện rõ nét ở giá trị di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc với nhiều danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng- suối Mỏ Gà, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà... Sườn Đông dãy Tam Đảo trùng điệp thuộc tỉnh Thái Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo, riêng có nơi đây.
Đặc biệt Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà” với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Sự phát triển của cây chè và sản phẩm trà từ lâu đã gắn với đời sống của người dân Thái Nguyên, nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.