Tạm gác giấc mơ xuất ngoại vì Covid
Nếu như mấy năm trước, dịp nghỉ Tết là chuyến xuất ngoại du xuân lý thú của nhiều gia đình - chuyến đi được chuẩn bị kỹ lưỡng và được mong đợi nhất trong năm thì năm Tân Sửu này, nhiều người đã phải tạm xa chuyến du lịch nước ngoài vì dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Lướt một vòng các tour du lịch Tết quảng cáo trên mạng, vẫn thấy quảng cáo tưng bừng các chuyến du lịch nước ngoài dịp Tết mặc dù thực tế khách có đặt thì các hãng du lịch đều không nhận tour. Một hướng dẫn viên du lịch cho biết: Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù chưa biết đến khi nào công ty chúng tôi có thể đưa khách đi du lịch nước ngoài như trước nhưng chúng tôi vẫn liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh về các chuyến du lịch, ước tính giá thành để du khách có thể “du lịch trên internet”, thời đại 4.0 mà!
Du lịch nước ngoài qua internet. |
Nói về những chuyến du lịch Tết của gia đình, chị Ngọc Trâm (một doanh nhân trong ngành du lịch) cho biết: do sở thích và tính chất công việc nên vợ chồng chị rất có duyên với các chuyến du lịch Tết. Vợ chồng chị chủ động tính toán, sắp xếp kỹ để có thể kết hợp hài hòa giữa công việc với du lịch nên hiệu quả kinh doanh vẫn bảo đảm mà vợ chồng vẫn có kỳ nghỉ nước ngoài thú vị bên nhau. Trong những mùa xuân năm trước, anh chị đã có những chuyến du lịch Tết tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, rồi cả một số nước châu Âu…
Tuy vậy, chị Ngọc Trâm thành thật giãi bày rằng không có nơi đâu bằng Tết ở quê hương mình, Tết dưới mái nhà mình, bên cha mẹ đôi bên, chồng con, anh em bạn hữu… Ăn Tết ở nước ngoài, dù là hưởng chuyến du lịch xa xỉ để mở mang tầm nhìn, để thưởng thức trải nghiệm về Tết năm châu, dẫu vẫn là bánh trái, hoa cảnh, thậm chí vẫn là bánh chưng, bánh tét, mai vàng như ở nhà mình nhưng sao lòng vẫn trống vắng, phải chăng đó là cảm giác “thiếu quê hương” như một nhà văn từng cảm nhận? Bởi vì Tết là quê hương, là nguồn cội.
Tour trong nước hấp dẫn, an toàn trong mùa dịch
Năm nay mùa đông lạnh sâu, nhiều gia đình miền Bắc muốn trải nghiệm nắng ấm phương Nam nên họ chọn điểm đến là các vùng biển ấm, các khu du lịch biển. Một công ty du lịch ở Hà Nội cho biết, từ đầu tháng Chạp một số khách sạn mà họ liên kết ở Đà Nẵng, Nha Trang đã kín phòng.
Đây là tín hiệu mừng cho du lịch sau một năm dịch giã “chợ chiều”. Đảo ngọc Phú Quốc cũng được nhiều cặp tình nhân, vợ chồng trẻ lựa chọn cho kỳ nghỉ Tết cùng với Đà Lạt và nhiều điểm hẹn du lịch khác. Điểm cộng cho các tour du lịch Tết năm nay là do ảnh hưởng dịch nên giá vé máy bay, giá dịch vụ du lịch Tết có “mềm” hơn so với các năm trước.
Mùa xuân Tây Bắc. |
Ở chiều ngược lại, nhiều gia đình ở miền Nam lại muốn thưởng thức không khí ngày xuân se lạnh ở vùng núi hoặc cái rét ngọt của miền Bắc. Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Khu danh thắng Tràng An – Ninh Bình là những địa điểm được nhiều gia đình phương Nam lựa chọn du lịch Tết vì nơi đây không chỉ cảnh quan đẹp, hạ tầng dịch vụ tốt mà còn có nhiều thắng cảnh hấp dẫn, phong phú có thể chiều lòng du khách mọi lứa tuổi. Chẳng hạn người lớn tuổi có thể chiêm bái chùa chiền đầu xuân, giới trẻ có nhiều điểm để thăm thú, trẻ em cũng có các khu vui chơi hấp dẫn…
Ngay tại Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành phố đồng bằng, cũng có nhiều gia đình chọn tour du lịch Tây Bắc để thưởng thức hương vị Tết miền núi của đồng bào dân tộc. Chị Ban Mai ở Hà Nội chia sẻ: “Cha mẹ tôi người miền núi nhưng chuyển xuống phố thị lâu rồi, thế nhưng tôi vẫn bị “nghiện” mùa xuân Tây Bắc, năm nào cũng phải đến với đồi núi, với hoa mận, hoa mơ, hoa đào rừng… thì mới trong lòng mình thực sự Tết đã về”.
Du lịch Tràng An (Ninh Bình). |
Mùa xuân mở đầu cho năm mới, thời gian nghỉ Tết tựa như là để chúng ta nạp thêm năng lượng để bước tiếp một hành trình mới trong đời. Vậy thì tự thưởng cho bản thân và gia đình một chuyến du xuân để thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, để thêm yêu quê hương đất nước mình cũng đáng lắm chứ?
Nhà văn Phong Điệp thì chia sẻ, Tết năm nào gia đình chị cũng lựa chọn xuất hành đầu năm bằng một tour du lịch trải nghiệm ngắn ngày theo kiểu “phượt xuân” do tự lái xe, tự chuẩn bị đồ ăn, đồ dùng trên đường, chỉ tối mới đến đến nghỉ tại điểm lưu trú… Phong Điệp cho biết cái cảm giác “phượt xuân” cùng gia đình đặc biệt thú vị khó có thể diễn tả hết được.
Và bát ngát những nẻo đường xuân
Chẳng cần phải chọn mua những tour du lịch đắt tiền, giờ đây Tết đến nhiều gia đình tự “book” cho mình những “chuyến du lịch 0 đồng” mà vẫn rất bổ ích và lý thú mà vẫn bảo đảm an toàn trong mùa dịch.
Chị Bùi Thị Vĩnh (ở Hưng Yên) vui vẻ trải lòng: Vợ chồng tôi quanh năm làm ruộng, cũng có bát ăn bát để, nuôi con học đại học ngoài Hà Nội nhưng nói thật là cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi du lịch Tết không phải vì là thấy nó khác xa với truyền thống Tết quê và cũng thấy nó xa xỉ, tốn kém nữa. Thế nhưng cô con gái sinh viên ngoài Hà Nội đã thay đổi nếp nghĩ cố hữu của chúng tôi.
Và thế là cả gia đình đã có những chuyến xuất hành đầu năm tại các điểm gần: năm thì du lịch một ngày vòng quanh Hà Nội, đi lễ mấy điểm chùa, chơi Bờ Hồ, ngắm Tháp Rùa, Hoàng thành Thăng Long; có năm du ngoạn chính quê mình như làng cổ chùa Nôm, Văn Miếu – Mao Điền… chụp bát ngát là ảnh đẹp về thỏa sức đăng facebook. Vậy đấy, đâu phải cứ phải đi du lịch xa xôi, tốn kém, quanh ta còn rất nhiều danh lam thắng cảnh mà chúng ta chưa khám phá hết vẻ đẹp của nó.
Còn gia đình anh Đỗ Thành Nam ở làng Giảng Võ (Hà Nội) thì cho biết, cha mẹ anh người gốc Hà Nội nên không có quê để về ăn Tết như nhiều người. Từ trước đến nay, ngày xuân năm mới gia đình anh chỉ loanh quanh thưởng thức không khí thanh nhã, trầm lắng, vắng vẻ của những ngày Tết Hà Nội. Là con trưởng nên anh còn phải trực phụng bàn thờ tổ tiên, tiếp khách đến thắp hương cúng tổ nên ba ngày Tết hầu như chẳng ra khỏi nhà. Vả lại tâm lý chung là kiêng kỵ năm mới nên mọi người ra đường ngắm phố chứ ngay cả hàng xóm cũng ít sang nhà nhau chơi. Anh bảo, nói thật là Tết chưa chắc đã vui bằng ngày thường.
Tình cờ năm trước, một người bạn mang xe đón mời cả gia đình anh sang Khu đô thị Ecopac – Hưng Yên chơi xuân “đổi gió”, hưởng không khí Tết ở khu sinh thái nhiều cây xanh mát, cảnh quan đẹp, khác hẳn khu dân cư chật chội cả đời mình gắn bó. Anh Nam bảo: “Bên đó người ta cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa Tết cổ truyền do cư dân trong khu và khách đến tham quan. Sau chuyến đi, tôi đã nghĩ đến chuyện sẽ mua một căn chung cư bên đó để mỗi cuối tuần vợ chồng con cái về nghỉ, sau này con cái lớn, hai vợ chồng sang đó ở hẳn dưỡng già.”
Sắc xuân miệt vườn. |
Cùng hoàn cảnh những gia đình thành phố, chị Huỳnh Phúc (ở TP Hồ Chí Minh) cho biết vài năm nay đã thành thông lệ, cứ chiều mồng 3 Tết khi hoàn tất các thủ tục lễ lạt, mấy anh chị em trong gia đình chị lại “hành quân” về một Khu du lịch sinh thái của một người bạn ở An Giang để thưởng thức Tết miền Tây.
Đến đây, sau khi nhận phòng ổn định, các gia đình sẽ thực hiện một tour du lịch tâm linh đầu năm ở xứ chùa Châu Đốc. Bữa lẩu miền Tây với các loại cá đồng, rau đắng, sản vật địa phương cho mọi người cảm giác chưa bao giờ được ăn một bữa ngon đến thế. Bà chủ hào hiệp của khu sinh thái năm nào cũng tổ chức Tết miệt vườn cho lũ trẻ thành phố được trải nghiệm từ việc bứng cúc vạn thọ ngoài vườn trồng vào chậu, đem về trang hoàng nhà cửa, rồi tất bật gói bánh chưng bánh tét, bắc nồi nhóm lửa nấu thâu đêm… Để khi về, mỗi nhà có mấy đòn bánh mang về, mọi người chúng tôi lại có cảm cảm giác như được ăn Tết lần nữa, mùa xuân như mới bắt đầu…