Việt Nam - “Điểm sáng” du lịch châu Á!
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt 1,62 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất trong năm 2019.
Như vậy trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón tổng cộng gần 14,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc được nói chiếm gần 56%.
Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá đây là mức tăng trưởng ấn tượng và cao hơn mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Cũng theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm nay, khách châu Á đến Việt Nam chiếm 79,5% tổng lượng khách quốc tế.
Trong đó thị trường Trung Quốc tăng 9,4%. Nhóm khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan được đánh giá đến Việt Nam rất đông. Lượng khách Hàn Quốc tăng 22,1%, Nhật Bản tăng 15%, Đài Loan tăng 29,5%. Khách Thái Lan cũng được nói tăng ‘ấn tượng’ với mức kỷ lục trong năm nay là 47,7%.
Trong khi đó, du khách Việt đổ xô đi du lịch Hàn Quốc |
Cuối năm thường là dịp du lịch cao điểm, không chỉ bởi nhu cầu của du khách muốn “xả hơi” sau một năm làm việc vất vả. Đây cũng là dịp diễn ra nhiều ngày lễ quan trọng không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới. Thông thường, các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, giải trí thường nhiều hơn vào dịp này. Các dịch vụ mua sắm, giải trí cũng có những gói ưu đãi “xả hàng cuối năm” để đánh vào tâm lý của khách hàng.
Cụ thể, những cái tên như Phú Quốc, Sapa đã không còn xa lạ với du khách đặt tour du lịch nghỉ dưỡng. Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đón gần 4,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đến 400.000 lượt, doanh thu đạt trên 4.268 tỷ đồng, riêng huyện đảo Phú Quốc, đón trên 2,26 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt gần 392.000 lượt (chiếm chủ yếu trong số khách quốc tế đến Kiên Giang) doanh thu đạt trên 3.829 tỷ đồng.
Du lịch Việt Nam tăng 4 bậc so với năng lực cạnh tranh toàn cầu |
Lượng khách du lịch tăng trưởng cao và ổn định đã cho thấy sức hấp dẫn của Phú Quốc. Mức chi tiêu ăn uống và mua sắm của du khách quốc tế cũng cao khiến kinh doanh dịch vụ du lịch cũng được mùa.
Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá đã có sự đổi mới về phương thức, quy mô, đạt được hiệu quả tích cực, tăng cường thu hút khách đến nước ta. Các sản phẩm du lịch Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách quốc tế.
Tổ hợp du lịch lớn ở phía Nam Phú Quốc thì mang lại cuộc đổi ngôi ngoạn mục trên đảo Ngọc. Những siêu dự án tỷ “đô” được đầu tư tại đây đã kéo về cả triệu lượt khách, nhất là lượng khách “siêu giàu”, chi tiêu “không tiếc tay”. Tại Sa Pa cũng đã xuất hiện sản phẩm du lịch tiên phong, tiêu biểu là công trình thế kỷ - hệ thống cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới đưa du khách lên thăm nóc nhà Đông Dương tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend.
“Chạy đua” du lịch với khu vực
Xuất phát từ tâm lý muốn tận hưởng kỳ nghỉ vào dịp đầu năm, và một chuyến đi vào cuối năm để khép lại một năm làm lụng vất vả là nguyên nhân khiến tour du lịch tăng mạnh.
Chị Phương Huyền (Hà Nội) chia sẻ: “ Gia đình tôi thường chọn dịp cuối năm để có chuyến nghỉ dưỡng cùng nhau, phần vì thời gian cuối năm cả gia đình mới có thời gian rảnh rỗi, phần cũng vì dịp cuối năm có nhiều gói ưu đãi như kết hợp tour nghĩ dưỡng, thăm quan và các hình thức giải trí nhân dịp lễ Noel, Tết dương, giá hợp lý mà dịch vụ lại ổn”.
Còn anh Tuấn, một du khách đến từ Bắc Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi thường đặt tour du lịch tới những vùng biển để nghỉ dưỡng bởi sau một năm làm lụng vất vả, cả gia đình muốn có trải nghiệm du lịch bao gồm thăm quan kết hợp nghỉ dưỡng và thể thao. Chính vì vậy, hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng cùng dịch vụ vui chơi giải trí như ở Nha Trang là lựa chọn quen thuộc của gia đình bao năm nay”.
Lễ hội Áo dài Việt Nam 2019 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh là một sự kiện văn hóa hấp dẫn khách du lịch |
Mặt khác, theo phân tích của Tổng cục Du lịch, trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá đã có sự đổi mới về phương thức, quy mô, đạt được hiệu quả tích cực, tăng cường thu hút khách đến nước ta. Các sản phẩm du lịch Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách quốc tế.
Bên cạnh hàng loạt khách sạn 5 sao là các khu vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế ra đời trên khắp cả nước. Hạ tầng du lịch Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển rõ rệt và đây cũng được các doanh nghiệp đánh giá là yếu tố thu hút khách. Ngoài ra còn có vai trò của ngành hàng không trong việc mở rộng các đường bay quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài đến Việt Nam. Gần đây nhất là đường bay thẳng Kolkata (Ấn Độ) – Hà Nội.
Tuy nhiên, nhìn ra thị trường du lịch trong khu vực, ta cũng thấy một sự xu hướngchuyển dịch cơ cấu khách hàng du lịch nội địa sang du lịch quốc tế, điển hình nhất là các tour Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
Nổi bật nhất trong thời gian gần đây là các tour tới quốc gia Phật giáo Bhutan, dù có thể cán ngưỡng 50 – 60 chục triệu cho khoảng 5 – 6 ngày (ngang ngửa tour đi Mỹ, châu Âu), nhưng vẫn được du khách Việt Nam săn đón. Vào năm 2018, có gần 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã có những chính sách và sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành thị trường trọng điểm tại Hàn Quốc vì có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường khách quốc tế đến nước này. Cụ thể, từ năm 2016 tới 2018, mỗi năm thị trường tăng 30-40% và vào năm ngoái, đã có khoảng 450.000 lượt khách Việt sang Hàn Quốc. Với Nhật Bản, vào năm ngoái có hơn 389.000 lượt người Việt đến đây, tăng 26% so với năm 2017.
Theo số liệu từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, trong 5 năm gần đây, lượng khách tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 20%/năm. Con số này nói lên một viễn cảnh khả quan về thị trường đưa du khách Việt ra nước ngoài. Không những thế, đây còn là các quốc gia có mức chi trả cao.
Còn nhiều thách thức
Đáng nói, tiếp nối ngay sau đó là dip đầu năm mới, cũng là thời điểm du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, hứa hẹn cơ hội vàng cho các đơn vị làm du lịch. So với tháng 1 năm 2019, lượng khách quốc tế tăng cao kỷ lục, cán mức 1,6 triệu lượt khách.
Lý giải cho điều này ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, đó là do Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên. Còn sắp tới, năm 2020 sẽ được vinh danh là năm Du lịch quốc gia. Cùng với đó, các tỉnh thành đều “rục rịch”, bùng nổ những sự kiện nổi bật đầu năm. Ví như, Giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng, Lễ hội Cầu Bông Trà Quế, Hội Bắp nếp Cẩm, cùng với Hội Tết Nguyên Đán Canh Tý…. tại phố cổ Hội An.
Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 2/2020 tại thành phố Ninh Bình, gắn với Lễ hội hoa Lau, Festival Hang động ở Khu du lịch sinh thái Tràng An… Cùng hàng loạt sự kiện lớn như Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Chung kết cuộc thi Hoa hậu kinh đô ASEAN 2020, Tuần du lịch Sắc vàng Tam Cốc- Tràng An, triển lãm Mỹ thuật khu vực II lần thứ 25, Tuần lễ Sắc màu Cúc Phương, hội chợ thương mại du lịch…
Có thể thấy, thời điểm này chính là một mùa “hốt bạc” du lịch đúng nghĩa từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều thách thức. Khảo sát của Tổng cục Du lịch trong 5 năm trở lại đây cho thấy khoảng 60% chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam dành cho lưu trú và ăn uống; dịch vụ mua sắm bị coi là sản phẩm yếu nhất của du lịch Việt.
Đáng suy nghĩ, khách quốc tế chỉ chi 15- 18% cho mua sắm trong tổng chi tiêu. Trong khi đó tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, tỷ lệ này chiếm gần 50%.