Từ tâm linh…
Các công ty lữ hành như: Vietravel, Lửa Việt, Saigontourist, Vietravel, Hanoi Redtours... đã thiết kế rất nhiều tour tâm linh, thường được tổ chức về những nơi nổi tiếng. Phía Bắc thì hành hương về Yên Tử, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Bái Đính, thiền viện trúc lâm Tây Thiên… Du khách đến miền Trung nhất định đến thăm các ngôi chùa của Cố đô Huế, đến với chùa và hang động tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Khách hành hương cũng không thể không đến với thiền viện trúc lâm Đà Lạt, về với các ngôi chùa và thiền viện ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Từ Sài Gòn người hành hương có thể đến với các thiền viện và chùa tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, hay Bình Dương, Hà Tiên, Tây Ninh…
Ngoài các tour nội địa, các chương trình du lịch tâm linh ở nước ngoài cũng được nhiều du khách Việt Nam chọn lựa. Đó thường là tứ động tâm - 4 thánh tích tại Ấn Độ và Nepal, hành trình về “vũ trụ tâm linh” Tây Tạng, Tứ đại danh sơn (đạo tràng của 4 đại Bồ Tát là Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng), Trung Đài Thiền tự (Đài Loan). Rồi các tour đi Miến Điện, Lào, Thái Lan, Bu Tan, có kết hợp với thiền định.
Hoàng Lan, 22 tuổi ở Hải Phòng, một du khách rất đỗi yêu thích loại hình du lịch này chia sẻ: “Tuy trẻ nhưng tôi đã mắc bệnh thấp khớp. Do bệnh tật nên tôi rất ngại đi chơi xa. Nhưng một lần nghe người bạn gái phân tích về sự nhiệm màu của năng lượng tâm linh, tôi quyết định đăng ký đi du lịch tâm linh ở chùa Yên Tử. Nhìn thấy những bậc đá cao vời vợi tôi cũng hơi hoảng. Được sự động viên của các anh chị trong đoàn, tôi quyết tâm đi. Vừa lên chùa, tôi vừa niệm Phật. Rất lạ là, bệnh thấp khớp của tôi dường như biến đâu mất. Tôi đi băng băng cùng những người bạn. Sau khi được hòa mình với thiên nhiên, được đắm chìm trong sự tĩnh lặng của tâm linh, khi về nhà, tôi thấy căn bệnh của tôi đã vợi đi rất nhiều”.
Không chỉ mình Hoàng Lan, mà rất nhiều người khi được trải nghiệm tour tâm linh, họ tụng kinh, niệm Phật thành kính, nghiêm túc. Khi về nhà, họ cảm thấy người khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn hơn. Nhiều bạn bè đã chọn lựa cho mình chuyến đi du lịch tâm linh tự túc mà không qua các công ty lữ hành. Theo họ, để chủ động về thời gian cũng như được thưởng ngoạn những kiến trúc cổ của các ngôi chùa.
Ngoài ra, họ có thể cùng các sư thầy nấu và nếm thử những món ăn chay tao nhã mà cuộc sống thường ngày họ đã bỏ qua. Bạn Thanh Tiến (24 tuổi) cho hay: “Cảm xúc được nếm các món ăn chay lại được nghe thuyết giảng tại chùa rất tuyệt vời. Qua chuyến đi, chúng tôi thấy mình lớn hơn rất nhiều!”.
…đến giúp đời!
Có lẽ du lịch tâm linh đã giúp nhiều bạn trẻ tìm về bản ngã, hướng thiện. Bạn Thùy Trang (sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Giao thông) bộc bạch: “Trước đây, tôi sống khá ích kỷ, chỉ lúc nào cũng nghĩ những việc có lợi cho mình, bất chấp việc chà đạp một số người để đạt được ý muốn. Nhưng từ khi nghe thuyết giảng của các sư thầy, tôi đã ngộ ra một điều “sống trên đời cần có một tấm lòng”.
Giới du lịch đều biết tới Mai Lan Vân - người được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt trẻ tài năng dưới 30 tuổi năm 2016. Mai Lan Vân là nhà sáng lập kiêm giám đốc tài chính Du lịch thiện nguyện - Tình nguyện vì giáo dục, chuyên tổ chức các tour du lịch tới miền núi khó khăn kết hợp các chương trình thiện nguyện. Các chương trình được doanh nghiệp này tổ chức như mang kiến thức đến với trẻ vùng cao, dạy tiếng Anh và các kỹ năng sống, xây dựng thư viện… Với mức giá vài trăm nghìn đồng/tour kết hợp hoạt động tạo cơ hội cho khách du lịch được làm việc tốt có ý nghĩa, Công ty Du lịch thiện nguyện của Vân thu hút được sự tham gia và ủng hộ của nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh.
Trước nhu cầu hướng thiện của các bạn trẻ, hiện nay, các công ty lữ hành: Lửa Việt, Saigontourist, Vietravel, Hanoi Redtours... đang khai thác loại hình du lịch kết hợp làm từ thiện một cách tích cực. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những du khách vừa kết hợp tham quan những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước vừa dành thời gian để đến những nơi điều kiện khó khăn góp một phần nhỏ vật chất và tinh thần giúp các em bé ở vùng cao có được tấm áo ấm và bữa cơm thêm chất đạm.
Không dừng lại ở việc trao quà, giao lưu với các tổ chức từ thiện đơn thuần, phần đông du khách tham gia tour đều đòi hỏi nhà tổ chức phải thiết kế sao cho họ “chịu khổ” thật nhiều. Cụ thể như tận tay xây gạch, quét vôi, tham gia quá trình sửa lại nhà hay được khuân vác hàng hỗ trợ đến tận tay người dân tại những khu vực vùng sâu, hẻo lánh… Thay vì vui chơi thỏa thích ở những khu du lịch sang trọng, nhiều bạn trẻ chọn cách đi du lịch kết hợp làm từ thiện. Đây là cơ hội để các bạn vừa chia sẻ khó khăn với những phận đời kém may mắn, vừa có những trải nghiệm thú vị. Nét đẹp từ cách làm du lịch “hai trong một” này ngày càng được giới trẻ hưởng ứng.