Thống kê của GD&ĐT tính đến ngày 14/2, tất cả các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022.
Theo đó, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022. Sở GD&ĐT các địa phương đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp, xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh. Cạnh đó, triển khai thực hiện sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Tất cả cơ sở đã chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường.
Hiện có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Trong đó, tại tỉnh Nam Định có TP Nam Định chưa cho trẻ mầm non đi học cùng 9 tỉnh, thành phố khác là Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.
Ở cấp tiểu học, 59/63 địa phương cho học sinh học trực tiếp. Riêng Hưng Yên chỉ tổ chức khối lớp 1 và Vĩnh Long chỉ tổ chức khối lớp 5. Bốn tỉnh, thành phố chưa tổ chức là Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang.
Đối với cấp THCS, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, riêng TP Hà Nội cho học sinh lớp 6 các quận nội thành và học sinh khối 1 đến 5 của 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp. Tỉnh Vĩnh Long học sinh khối 6, 9 đi học trực tiếp.
Đối với cấp THPT, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục đại học, 100% đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Tổng số học sinh đi học trực tiếp của cả nước đạt tỉ lệ 93,71%. Trong đó, khối mầm non đạt tỉ lệ 85,71%, tiểu học đạt 93,65%, THCS đạt 94,41% và THPT đạt tỉ lệ 99,0%.
Bộ GD&ĐT cũng thông tin, từ ngày 21/2, sẽ có 60/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Riêng Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang có kế hoạch đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định thời gian cụ thể.
Cấp tiểu học, 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp, tỉnh Tiền Giang chưa xác định thời gian cụ thể.
Với THCS, 63/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp (riêng TP Hà Nội cho học sinh lớp 6 các quận nội thành và học sinh khối 1 đến 5 của 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp.
Riêng với THPT, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì học trực tiếp.
Khẳng định việc mở cửa trường học, đưa trẻ mầm non trở lại lớp là việc rất quan trọng và cần nhanh chóng thực hiện, bác sĩ Thiều Thị Tuyết Nhung - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) - cho hay, trường học là nơi giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Bởi vậy, việc mở cửa trường học sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh là điều rất cần thiết.
BS Nhung lấy dẫn chứng về việc hiện nay trên thế giới nhiều nước đã mở cửa trường học dẫu số ca mắc COVID-19 cao. Bởi họ đánh giá và thấy rõ hậu quả của việc trẻ ở nhà quá lâu.
“Việc đóng cửa trường học quá lâu khiến trẻ không được hoạt động, kéo theo các thói quen về sức khỏe bị đảo lộn. Điển hình như trẻ không được hoạt động thể chất, xem tivi nhiều hơn, tăng thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông, ăn uống không đúng giờ... dẫn đến việc phát triển thể chất không bình thường.
Vì vậy, mở cửa trường học thời điểm này không chỉ cung cấp kiến thức sách vở mà còn thiết lập lại thói quen, hoạt động thể chất và tương tác xã hội thông qua giao tiếp với bạn bè, giáo viên” - BS Nhung nói.