Theo AFP, dự báo trên được đưa ra trong một báo cáo mới được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc LHQ công bố ngày 18/3.
Theo báo cáo, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do sự lây lan của virus corona mới, hiện đã khiến hơn 8.000 người trên toàn thế giới thiệt mạng, sẽ có tác động sâu rộng đến thị trường lao động.
“Đây không còn chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà nó còn là một cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường lao động lớn có tác động lớn lên người dân”, người đứng đầu ILO Guy Ryder cho biết trong một tuyên bố.
Nghiên cứu của cơ quan của LHQ khuyến nghị thế giới cần chuẩn bị cho sự gia tăng đáng kể lượng người thất nghiệp và thiếu việc làm do cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
Đưa ra các kịch bản khác nhau phụ thuộc vào sự nhanh chóng và mức độ điều phối của các chính phủ các nước với dịch bệnh, ở kịch bản tốt nhất, ILO dự báo sẽ có khoảng 5,3 triệu người bị đẩy vào cảnh mất việc làm do cuộc khủng hoảng do virus corona.
Trong khi đó, viễn cảnh tệ nhất được vẽ ra là thế giới sẽ có thêm đến 24,7 triệu người thất nghiệp, bổ sung vào con số 188 triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới vào cuối năm 2019.
Theo ILO, để so sánh, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 có thêm 22 triệu người thất nghiệp.
Tổ chức trên cũng cảnh báo rằng tỉ lệ thiếu việc làm dự kiến cũng sẽ tăng ở quy mô lớn do các hậu quả kinh tế của đợt bùng phát dịch dẫn đến tình trạng giảm giờ làm và lương.
Ngoài ra, đến cuối năm 2020, người lao động trên toàn thế giới có thể mất từ 860 tỷ USD đến 3.400 tỷ USD thu nhập, kéo theo giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Nghiên cứu của ILO cũng cho rằng, số người sống trong đói nghèo dù có 1 hay nhiều công việc cũng sẽ tăng, với ước tính từ 8,8 đến 35 triệu người nữa sẽ được đưa vào danh sách lao động nghèo.
Tuy nhiên, ILO cho rằng tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động thế giới có thể giảm đáng kể nếu có một chính sách ứng phó phối hợp cấp độ toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, tổ chức trên kêu gọi các chính phủ các nước khẩn trương thực thi những biện pháp khẩn cấp, phối hợp và quy mô lớn để bảo vệ người lao động, kích thích nền kinh tế, hỗ trợ việc làm và thu nhập.
ILO đề xuất một số biện pháp như hỗ trợ người lao động bằng các việc làm ngắn hạn hoặc nghỉ việc có lương, giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…