Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, MJO (Madden-Julian Oscillation, là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới) trong 10 ngày đầu (11-20/10), tiếp tục di chuyển hướng Đông về khu vực xích đạo Tây Bắc Thái Bình Dương, góp phần tăng mưa ở phía Nam Việt Nam. Trong thời kỳ dự báo, có khả năng xuất hiện 2-3 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Bộ.
Ngày 11/10, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh và hoàn lưu suy yếu từ cơn bão số 7 nên khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to.
Ngày 12/10 mưa tạm giảm ở khu vực Bắc Bộ nhưng mưa vẫn tiếp tục duy trì ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Khoảng ngày 13 đến khoảng ngày 15/10 các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão Kompasu kết hợp với không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Bộ có mưa lớn diện rộng.
Từ ngày 16 đến khoảng ngày 19/10 do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp dải hội tụ nhiệt đới qua Trung Bộ nên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.
Từ ngày 11-20/10 tập trung tại các tỉnh Trung Bộ, tổng lượng mưa có thể đạt từ 350-450 mm có nơi cao trên 500mm. Do mưa lớn dồn dập trong thời đoạn ngắn nên cần đề phòng lũ quét sạt lở đất đá ngập lụt ở vùng trũng thấp và lũ lên trên các sông suối.
Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường trong ngày 12,13/10 và ngày 15,16/10 kết hợp với mưa lớn nên Bắc Bộ và Trung Bộ duy trì trời lạnh về đêm và sáng, vùng núi có nơi trời rét.
Nhiệt độ tại khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở ngưỡng thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độC, riêng các tỉnh Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm, khu vực còn lại cao hơn từ 0-0,50C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Đáng lưu ý tại khu vực Trung Bộ trong thời kỳ có khả năng ảnh hưởng liên tiếp của xoáy thuận nhiệt đới nên tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-70% tại Bắc Trung Bộ và 20-50% ở Trung và Nam Trung Bộ. Khu vực Đông Bắc Bộ tổng lượng mưa hơn từ 20-40%, Tây Bắc Bộ cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ cao hơn từ 15-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Không khí lạnh sẽ hoạt động tăng tần suất hơn và có khả năng hoạt động mạnh hơn trong thời kỳ 10 ngày đầu tháng 11.