Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu các cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới. Bên cạnh đó, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam tăng đột biến do ảnh hưởng của Covid-19. Đây cũng chính là môi trường lý tưởng để virus bùng phát, lây lan mạnh.
Theo các chuyên gia của Bkav, người sử dụng vẫn có thói quen dùng phần mềm không bản quyền, không được cập nhật thường xuyên, dẫn tới máy tính không được bảo vệ liên tục. Chỉ khoảng 10% máy tính đang sử dụng tại Việt Nam được trang bị phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật và có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất. Một con số quá nhỏ để xây dựng được một hệ “miễn dịch cộng đồng”. Mỗi máy tính bị nhiễm mã độc là nguồn tiếp tục lây nhiễm virus cho các máy tính khác.
Bkav khuyến cáo người sử dụng cần trang bị ngay phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật cho máy tính. Đây sẽ là những liều “vaccine” cần thiết để bảo vệ máy tính của bản thân và toàn cộng đồng.
2021 cũng là một năm đầy biến động của các loại tiền số (coin) và các loại hình kinh doanh liên quan đến tiền số (vốn hóa của các đồng tiền số đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD). Điều này kéo theo số lượng tấn công mã hóa dữ liệu đòi trả tiền chuộc bằng coin tăng mạnh. Hàng loạt vụ tấn công đã diễn ra, quy mô lên tới hàng triệu USD.
Tại Việt Nam, số lượt máy tính bị virus mã hoá dữ liệu tấn công trong năm 2021 lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Đa số người sử dụng Việt Nam vẫn còn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hoá dữ liệu. Hơn 99% người tham gia Chương trình đánh giá an ninh mạng 2021 của Bkav chọn làm theo hướng dẫn trả tiền với hy vọng lấy lại được dữ liệu của mình từ hacker. Cách làm này không những có thể không lấy lại được dữ liệu mà còn mất tiền oan. Vì vậy, người sử dụng cần phòng vệ một cách chủ động, thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu, đặc biệt cần có cơ chế sao lưu dữ liệu định kỳ.
Trong năm 2022, các chuyên gia Bkav nhận định các cuộc tấn công bằng mã độc vẫn sẽ gia tăng nếu người dùng không hành động sớm, quyết liệt, vấn đề bảo đảm an ninh trên các thiết bị IoT (Internet of Things) cần được quan tâm đúng mức khi triển khai trên diện rộng. Tấn công chuỗi cung ứng cũng tiếp tục là xu hướng và sẽ là mục tiêu “lý tưởng” của hacker trong năm tới.