Phương án 1: Nhà đầu tư khai thác sân bay sử dụng vốn vay ODA. Phương án này giúp nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay rẻ hơn, tuy nhiên hiện chỉ có thể tiếp cận được vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc Chính phủ đi vay và cho doanh nghiệp vay lại.
Phương án 2: Giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 95% cổ phần và đang quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước, việc ACV đầu tư sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược của quốc gia, chủ động điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh.
Phương án này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và dự án có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật để khởi công đầu năm 2021, hoàn thành vào năm 2025.
Phương án 3: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dạng hợp đồng BOT. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu được đánh giá là đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp có năng lực được coi là 1 ưu điểm lớn.
Nói như thế để thấy rằng, Bộ GTVT ủng hộ phương án 2 và bản thân ACV cũng rất sẵn sàng để thực hiện dự án.
Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1- dự án đầu tư CKHQT Long Thành sẽ được báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm vào tháng 10/2019. Đây là dự án quan trọng của quốc gia và hướng tới CKHQT Long Thành trở thành một trong những trung tâm trung chuyển (TTTC) hàng không của khu vực với quy mô, công suất 100 triệu khách/năm cùng với 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Chưa nói đến việc TTTC hàng không khu vực có thực hiện được hay không tuy nhiên thời gian từ nay đến năm 2025 chỉ còn 5 năm, nếu tháng 10 tới Quốc hội nhất trí thông qua Báo cáo.
Một lãnh đạo ACV tự tin tuyên bố: “ACV có lợi thế đã có tiền sẵn, đơn vị có thể huy động được 1,5 tỷ USD để làm sân bay Long Thành và không phải vay mượn nên có thể chủ động triển khai”.
Xin nói, ACV mới cổ phần hóa 5%, cổ đông chủ yếu là cán bộ trong ACV, 95% vốn đang là của Nhà nước nên chớ vội nói đó là tiền của doanh nghiệp, để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm.
Do vậy vấn đề là phải kiểm soát, đánh giá được năng lực, bảo đảm tính đồng bộ cho Dự án, đạt tiến độ khai thác. Chúng ta hay nói đến “lòng tin chiến lược”. Dự án chiến lược cần có lòng tin chiến lược. Cứ nhìn tiến độ các dự án cho các đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư thì thấy, ngoài tiền, năng lực phải là điểm mấu chốt.