Năm 2018 là “mốc son” đáng nhớ đánh dấu 100 năm nghệ thuật cải lương. Đó cũng là dịp cho hậu thế nhìn lại một diện mạo chỉn chu nhất của nghệ thuật cải lương để thêm yêu, thêm trân trọng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống này.
Đã từng đi vào quên lãng
Nghệ thuật cải lương là nét văn hóa truyền thống độc đáo được ra đời trong hành trình mở cõi phương Nam. Cải lương được hình thành tự những nét giản đơn, bình dị nhất của đời sống hàng ngày. Nên một ai đó đã từng nói “Cải lương còn, hồn Việt còn”. Từ đó có thể phần nào thấy được giá trị cải lương trong tâm thức của người Việt.
Để có được nghệ thuật cải lương như chúng ta biết hôm nay là cả một hành trình dài và đầy gian nan. Lúc đầu, chỉ “chập chững” hình thành, “bập bẹ” những câu hát đầu tiên. Rồi dần dần tiếp nhận, thích nghi đầy phóng khoáng những mô thức sân khấu, âm nhạc mới lạ trên nền của những bài bản, điệu thức chuẩn mực từ nhạc lễ, đờn ca tài tử và kho tàng dân ca trù phú.
Cải lương đã tự khẳng định mình với nhiều thành tựu rực rỡ và có vị thế trong “cái nôi” sân khấu truyền thống Việt Nam.
Thế nhưng, trong thời hiện đại cải lương đang dần bị lãng quên trước những dòng nhạc mới, trước thời đại công nghệ kỹ thuật số. Như thế, chúng ta sẽ gửi gì vào “trăm năm”? Để hậu thế hiểu, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này, chúng ta cần nhiều hơn là một nhà hát. Nhà hát không có thì xây, chưa đúng chuẩn thì sửa nhưng đó chỉ là những vật “bất tri vô hồn”.
Nó không quyết định sự tồn vong của một loại hình nghệ thuật. Thứ quan trọng nhất cần hướng tới đó là gầy dựng, nuôi dưỡng đam mê cho một thế hệ trẻ có tư tưởng, có tri thức, có trách nhiệm xã hội và có khát vọng khôi phục lại nghệ thuật này. Đây là điều cải lương đang khao khát.
Để các bạn trẻ có ý thức giữ gìn và bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, để cải lương thích nghi được trong thời đại mới và tiếp tục lan tỏa, YUME Art Project đã thực hiện Dự án “Tiếp bước trăm”.
Đây là dự án nằm trong khuôn khổ dự án “Di sản Văn hóa cho sự phát triển đồng đều” của Hội đồng Anh nhằm truyền dạy cải lương miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên, tạo ra một bộ phận nghệ sĩ mới và khán giả mới cho cải lương trên địa bàn TP HCM.
Dự án do TS.Đào Lê Na, Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP HCM cùng một người bạn đồng thực hiện vừa ra mắt tại Trường ĐH KHXH&NV TP HCM.
Đào tạo cả khán giả cải lương
Dự án hướng đến những bạn trẻ yêu cải lương và những bạn trẻ có khả năng ca hát, diễn xuất về cải lương nhằm đào tạo họ thành những người nghệ sĩ cải lương theo con đường chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, dự án còn tạo ra một bộ phận khán giả trẻ biết thưởng thức cải lương, có khả năng lan toả tình yêu cải lương đến cộng đồng.
TS.Đào Lê Na cho biết: “Tiếp bước trăm năm” sẽ đào tạo lớp thưởng thức cải lương và lớp trải nghiệm cải lương. Lớp thứ nhất sẽ có 8 buổi học (một buổi/tuần) về ngôn ngữ cải lương và lịch sử cải lương dành cho bạn trẻ yêu thích cải lương nhưng không có giọng hát phù hợp.
Lớp trải nghiệm cải lương cho khoảng 20 học viên có giọng hát phù hợp để đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Các em sẽ được học về những kỹ thuật âm nhạc cải lương và diễn xuất, phát huy hết khả năng của học viên.
Theo cô Na: “Lớp thưởng thức cải lương càng đông học viên càng tốt, nhưng chỉ giới hạn từ 9 đến 19 tuổi. Tôi nghĩ lứa tuổi này phù hợp để chúng ta có lớp khán giả trẻ, mới và phù hợp với đề án đưa ra”.
“Tôi muốn mọi người hiểu rằng, mỗi người đều có thể góp một phần sức lực của mình để phát huy nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng”, cô Na nói. Sau Tết Nguyên đán, Dự án sẽ được bắt đầu thực hiện. “Nếu hiệu quả tốt sẽ duy trì, phát triển, nếu không sẽ thay đổi hình thức hoặc tìm đến chất liệu văn hoá khác phù hợp” – TS.Đào Lê Na chia sẻ.