Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao năng lực cán bộ hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội là kết quả thiết thực của dự án tín dụng Việt Bỉ…
Thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ
Gia đình chị Đồng Thị Chín, thành viên cụm 1, nhóm 5 xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy quanh năm nghèo khó. Năm 2002, chị được vay vốn dự án Việt- Bỉ đầu tư làm dịch vụ cung cấp thức ăn chín và chạy xe ôm. Từ món vay nhỏ, chị dần được tiếp cận với nguồn vốn lớn từ các ngân hàng và được tập huấn kiến thức phát triển kinh doanh, chị Chín mạnh dạn đầu tư một nhà hàng phục vụ hội nghị, lễ cưới, sắm một xe ô tô đưa đón khách du lịch, thu nhập mỗi năm 150-200 triệu đồng.
Hội phụ nữ phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) hướng dẫn hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh: Minh Hải |
Tương tự hoàn cảnh gia đình chị Chín, gia đình chị Bùi Thị Khanh, thành viên cụm 2, nhóm 1, thôn Ngân Cầu, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng thuộc diện hộ nghèo. Được vay vốn từ Dự án tín dụng Việt-Bỉ, sau vài năm làm ăn có lãi, chị mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư thành lập một doanh nghiệp nhỏ sản xuất đồ mộc, bán đồ nội thất, tạo việc làm cho 15-20 lao động với mức thu nhập ổn định. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập 220-250 triệu đồng.
Đại diện nhóm tín dụng Việt-Bỉ xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy cho biết, dự án không chỉ tạo nguồn vốn vay cho thành viên, mà còn tạo điều kiện cho chị em tiếp cận kiến thức quản lý, sử dụng nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khởi sự doanh nghiệp, kiến thức chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, tổ chức cuộc sống gia đình. Qua khảo sát cho thấy, 97% thành viên biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong gieo trồng, thâm canh lúa, màu, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. 95% thành viên biết vận dụng kiến thức lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. 98% gia đình thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao trách nhiệm làm mẹ, nuôi dạy con khoa học, phòng chống tệ nạn xã hội.
Dự án hợp lòng người nghèo
Thực hiện chính sách tín dụng của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, Hội phụ nữ thành phố chỉ đạo các cấp hội tích cực triển khai dự án tín dụng Việt- Bỉ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lê Thu Cúc vui mừng: “Nguồn vốn giúp hộ nghèo, hộ thu nhập thấp có điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bắt đầu từ những món vay nhỏ, theo phương thức trả dần tạo thói quen tiết kiệm và hạn chế rủi ro, mức vay tăng dần qua các vòng vay giúp các thành viên nâng cao năng lực sử dụng vốn, tạo cơ hội và điều kiện cho thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay khác lớn hơn để đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh có quy mô và hiệu quả hơn.
Sau 8 năm thực hiện dự án với 7 vòng vay, hơn 20% số thành viên trưởng thành, được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên. Khả năng và năng lực phát triển kinh doanh của chị em ngày càng tiến bộ. Nhiều chị trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại, chủ kinh tế hộ gia đình. Một số làng nghề truyền thống của địa phương như thêu ren, mây tre đan, chiếu cói, thảm len, sinh vật cảnh, chế biến thủy sản đang được khôi phục và có cơ hội nhân rộng, thu hút nhiều lao động dôi dư ở nông thôn…
Sau 8 năm hoạt động theo cơ chế trả dần và quay vòng, từ nguồn vốn ban đầu gần 1,5 tỷ đồng, nguồn vốn của dự án tăng lên gần 6,8 tỷ đồng với 5052 lượt thành viên vay. Lũy kế lãi hơn 2,3 tỷ đồng. Dự án tín dụng Việt - Bỉ được triển khai tại 10 xã thuộc 3 huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng và Thủy Nguyên. Dự án chia 2 giai đoạn: giai đoạn 2002-2008 thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực, thể chế của Hội Liên hiệp phụ nữ trong quản lý các chương trình tín dụng tiết kiệm. Giai đoạn 2008-2010 giúp phụ nữ tiếp cận tín dụng liên kết và các dịch vụ phát triển kinh doanh. |
Thanh Thủy